Chuyến đi về thăm nông trại của doanh nhân Võ Quan Huy ở Long An cũng cho tôi hiểu thêm về một cách yêu hàng Việt. Lâu lâu ngồi nghĩ về cách anh nói về sản phẩm của mình, tôi lại cười thầm. Hỏi anh, trong chăm sóc cây chuối, trái chuối, anh thấy điều gì là khó nhất? Anh nói liền, là làm sao giữ cho tất cả các trái chuối khỏi bị trầy đó chị. Đã bọc trong hai lớp nilông đúng chuẩn (loại nilông đặc biệt, có châm lỗ thoát không khí) sao còn bị trầy?
Là do khi trái lớn lên, các nải chuối phát triển tự nhiên thì có những trái đâm xiên vào thân của trái chuối gần đó, mình phải phát hiện, chăm nó, hướng nó sao để vẫn phát triển mà không làm trầy trái khác. Ai biết với diện tích 200 hecta trồng chuối, cơ man nào là chuối đang lớn, chuẩn bị chín, bao nhiêu công khó để chăm cho từng trái chuối không bị trầy, bị đau? Hôm đó, tôi đưa nhà thiết kế Hoa Kỳ Richard Moore, một ông bạn lâu năm đã xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm Việt, đi thăm Huy Long An. Tôi ghi toàn bộ câu chuyện thăm nông trại chuối rất dài, có cả chuyện về anh công nhân làm cho Út Huy đã 20 năm, kể,”ông chủ kỹ lắm, trầy chuối là bị la, mà tụi tôi biết tính ý chuối hết nên cũng ít khi nào để trái chuối bị trầy”!
Tôi lại hỏi một câu tò mò nữa: “Nhà phân phối và chuyên gia Nhật vào thăm trang trại trước khi quyết định mua hàng, họ quan tâm thứ gì nhất, anh Huy”? Họ đến xem rất lâu, rất kỹ kho phân bón và chú ý nhất chỗ đó thôi. Họ đâu biết anh nuôi gần nghìn con bò, lấy phân, ủ và trữ đủ thời gian đúng công thức mới bón cây, và cũng bón đúng công thức như... sản xuất công nghiệp vậy. Nên nhìn thân cây chuối, anh nói được nó bao nhiêu tháng tuổi và nói được luôn cả buồng chuối (được bao kín hai lớp) có bao nhiêu nải, mấy tuần, mấy ngày nữa thu hoạch. Làm nông như vậy đã khiến Richard Moore xuýt xoa: “Chị Hạnh, đi thăm trang trại này rồi, tôi hiểu thêm về nông dân Nam bộ”.