Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đang báo động, đề nghị doanh nghiệp thận trọng khi giao dịch mua bán với doanh nghiệp Trung Quốc (TQ) để tránh hiện tượng gom hàng, làm giá.
Chuyện thương lái TQ “quậy” thị trường Việt Nam đâu có gì lạ. Nhưng… cách đây mấy ngày, ở Bangkok, tôi gặp hai bạn trẻ Việt Nam sang Thái mua đất trồng hồ tiêu, vì trồng ở Thái, đảm bảo sạch, an toàn và thương hiệu tiêu made in Thái Lan sẽ bán được giá hơn Việt Nam. Chẳng đợi đến thương lái TQ quậy phá, hiện nay, hồ tiêu, gạo, trái cây Việt xuất đi các nước thường gặp khó, hễ made in Việt Nam là bị… đè giá. Vì thường bị dư lượng thuốc trừ sâu và chất lượng không ổn định.
Thái Lan thực hiện tốt chiến lược của họ về thị trường Việt Nam
Họ không giấu giếm chiến lược bành trướng thị trường. Bằng nhiều cách. Và đều là những cách mà các tay chơi sành sỏi trên thị trường thế giới đang sử dụng. Mua bán sáp nhập (M&A). Đầu tư trực tiếp, đã đầu tư vào nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và đã lập doanh nghiệp 100% vốn ở Việt Nam (Thái đã có hơn 300 dự án đầu tư vào Việt Nam, vốn đăng ký gần 6,5 tỉ USD, đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam). Mua các hệ thống siêu thị, các chuỗi phân phối lớn ở Việt Nam. Liên tục tổ chức hội chợ hàng Thái ở Việt Nam, với chính sách trợ giúp cụ thể từ chính phủ, các ngân hàng (với lãi suất thấp) và các doanh nghiệp lớn của Thái giúp xây dựng hệ thống bán lẻ của các tập đoàn, hệ thống đại lý các công ty hàng tiêu dùng. Về thương mại thì Thái đã là đối tác lớn nhất với Việt Nam.
|
Doanh nghiệp Việt tham gia hội chợ triển lãm quốc tế ASEAN – Ấn Độ 2017 do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngay tại thủ đô Bangkok. Ảnh: Thành Long. |
Trong khi đó, Việt Nam vốn thả nổi thị trường ASEAN. Vì sao? Trước nhất vì tập trung cho các thị trường lớn, kim ngạch cao và theo hình thức gia công vẫn dễ hơn. Thị trường các nước ASEAN, nhất là Thái, có quá nhiều hàng hoá tương đồng. Doanh nghiệp Việt thường nói, cứ quen đi đánh bắt xa bờ, nên bây giờ muốn vào thị trường ASEAN thì… khó trăm bề.
Lãnh đạo bộ Công thương mới đây trả lời doanh nghiệp: chúng tôi không buông lỏng thị trường ASEAN, việc thâm nhập yếu là do doanh nghiệp thiếu tập trung (!), chúng tôi vẫn tập trung đồng bộ tất cả thị trường, và bây giờ sẽ tập trung các hiệp định thương tự do thế hệ mới. Đó là… hiệp định TPP, EVFTA của châu Âu, thì lại cũng là không có chỗ tập trung thực sự cho ASEAN. Và trong khi chúng ta miệt mài đi đánh bắt xa bờ, hàng ASEAN giờ đã tràn lan thị trường Việt.
Giờ chúng ta tập trung tìm đường vào Thái – asean
Tiếp cận thị trường gần, Campuchia, hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao mất mười năm để người dân Chùa Tháp nhận biết tìm mua hàng có logo Bông Lúa, và ông bộ trưởng bộ Thương mại Campuchia Cham Prasidh tuyên bố, Campuchia cũng cần một logo “Hàng Campuchia chất lượng cao” như vậy.
Thị trường Thái lại không chỉ khoanh gọn một mình Thái. Thaifex, hội chợ quốc tế thực phẩm và đồ uống nổi tiếng của Thái tổ chức năm 2017, tôi cũng có đi xem, có môt khu của Việt Nam với hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam, mà đều do cục Xúc tiến thương mại quốc tế của Thái mời và gom lại gần nhau thành một khu, mạnh ai nấy chào hàng. Giá thuê mặt bằng cũng không rẻ: 4.000 đô Mỹ một gian tiêu chuẩn. Nhưng doanh nghiệp Việt vẫn đi và mỗi doanh nghiệp một ý định, một nỗi niềm.
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức vào chiều 4.8.2017 ngay tại hội chợ ASEAN – India 2017, một buổi kết nối cung cầu, cố gắng thực hành thật chuyên nghiệp. Một số doanh nghiệp rất sành sỏi, điệu nghệ và thuyết phục. Vài doanh nghiệp lúng túng, bỡ ngỡ dù đã được hướng dẫn, vẫn thấy mới quá. Xin kể mấy chuyện cụ thể.
Về chào hàng. Nhân viên của Thiên Long vừa nói tốt tiếng Anh, vừa nói tốt tiếng Thái. Họ chinh phục được khách mua hàng ngay từ đầu. Còn Biti’s cũng nói tốt tiếng Anh. Phim video giới thiệu sản phẩm hấp dẫn. Biti’s có nghiên cứu thị hiếu của người Thái, giới trẻ thích mẫu mã hiện đại và cũng biết Sơn Tùng, Hunter, nên dễ giới thiệu...
Nét mới trong kinh doanh hội nhập? Hãy tính chuyện cùng mua cùng bán, chứ không nên chỉ nhắm một chiều là bán hàng. Đây là ý kiến kết luận của Phạm Minh Thiện, CEO Cỏ May: “Tôi thấy giao thương có tính đối lưu hàng hoá và hàng hoá có tính bổ túc cho nhau sẽ hấp dẫn các bên tham gia hơn, khiến mỗi doanh nghiệp tham gia sẽ hào hứng hơn, vì cảm thấy khả năng thành công sẽ cao!”. Cũng vậy, anh Trần Văn Liêng, tổng giám đốc Vinacacao, cũng mở đầu khi tự giới thiệu: chúng ta có thể hợp tác, với các siêu thị lớn, chúng tôi có thể làm hàng nhãn riêng cho các bạn, hay co-branding, như chúng tôi đang làm với Lotte hay với Starbucks.
Một doanh nghiệp gạo (công ty Công Bình) không dự hội chợ, chỉ dự kết nối, kể lại: họ đòi mua gạo rẻ và cũng muốn bán gạo Khao Dok Mali của họ. Bạn này không sốc mà hiểu rằng mua qua bán lại là bình thường.
Dù tương đồng, các mặt hàng sáng tạo thì luôn “có cửa”. Tinh dầu chưng cất thủ công nhưng tuyệt nhiên không chứa hoá chất của chị Đoan Thuỳ, một doanh nghiệp trẻ mới khởi nghiệp của Đồng Tháp, khi trực tiếp chưng cất tại ngôi nhà Việt Nam, đã được doanh nhân Thái mua sản phẩm và ngỏ ý muốn đầu tư hợp tác, vì là đồ handmade cao cấp. Hay là công ty Cửu Long Bến Tre với mặt nạ dừa. Công ty này đã phát triển lên thành sản xuất công nghiệp, bỗng tiếp nhận tới sáu thương nhân Thái đến xin mua thử và có hướng mua lâu dài. Vì sao, vì sản phẩm lạ, lại trúng xu thế làm đẹp từ thiên nhiên mà người chào hàng rất nhẹ nhàng, dễ thương…
Và chính thị trường Thái cũng dẫn ta đến các thị trường khác. Công ty chế biến thực phẩm Bích Chi không mong mà gặp, bán được bốn container ngay cho khách Ấn Độ và một khách Ấn khác lại sẵn sàng mua nhiều món, bánh tráng, bột thực phẩm… vì họ đang xung đột với Trung Quốc và nay muốn chuyển qua mua của Việt Nam do hàng an toàn, giá hợp lý, khá ngon.
Đau khổ nhất là GẠO. Cỏ May dù không định bán hàng, nhưng cũng có sáu công ty đến nằn nì đòi mua thử, vì khi gạo Cỏ May nấu mời khách tại hội chợ, khách thấy dẻo và ngon hơn… gạo Thái, theo người mua hàng nói. Nhưng bị cái cùm 109, Cỏ May hiện không xuất được. Để xuất qua Singapore, Cỏ May phải xuất qua uỷ thác và phải lập công ty ở Singapore để lo điều phối thị trường.
Nước mắm Phú Quốc là một thử nghiệm rất tốt. Thương nhân chuyên bán nước mắm Phú Quốc của Thái, khi nếm nước mắm của công ty Thanh Quốc ở Phú Quốc, phải công nhận: tôi chưa bao giờ được nếm thứ nước mắm ngon này. Mà tới giờ tôi mới biết thì đó là... do các bạn.
Vâng, quan hệ thương mại đạt cao nhất trong ASEAN, du khách Việt Nam lũ lượt đi Thái hàng mấy triệu người mà họ không biết về hàng mình. Đâu chỉ do doanh nghiệp? Chính sách mình thế nào?
“Tôi thấy giao thương có tính đối lưu hàng hoá và hàng hoá có tính bổ túc cho nhau sẽ hấp dẫn các bên tham gia hơn, khiến mỗi doanh nghiệp tham gia sẽ hào hứng hơn, vì cảm thấy khả năng thành công sẽ cao!”