Khu vực quy hoạch dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế, tại thôn 2, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cách UBND xã Tiên Lãnh hơn 30km. Cuối tháng 2 vừa qua, khi chính quyền địa phương công bố chủ trương xây dựng dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế, chỉ hơn 10 ngày sau, hàng loạt hộ dân ồ ạt đưa phương tiện, vật liệu để xây dựng công trình trái phép trong vùng dự án.
Trong bán kính chưa tới 500m đã có khoảng 60 công trình trái phép gồm: nhà ở, lán trại, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm…được dựng lên ở khu vực rừng keo lá tràm, bờ suối và cả trên đất ruộng. Phần lớn các công trình này xây dựng tạm bợ, không đào móng, không đổ bê tông.
Nhiều hộ dân có đất trong khu vực dự án lấy lý do phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt để xây dựng chuồng trại, nhà ở… để chờ đền bù. Ông Nguyễn Tri Ph., ở thôn 2, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước có đất trồng cây lâu năm trong vùng dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế cho rằng, gia đình ông có trang trại tại đây từ lâu. Vì không nắm thông tin triển khai dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế nên ông đã đầu tư cả 100 triệu đồng xây dựng nhiều công trình tại đây.
“Tôi xây dựng lán trại với mô hình chuồng để lấy phân chăm cây. Bao nhiêu năm nay, người dân tại đây xây dựng hay làm gì cũng có ai can thiệp đâu, có phải xin phép chính quyền đâu. Tôi cũng có biết chủ trương nhà nước quy hoạch khu vực này làm dự án hồ thuỷ lợi nhưng bây giờ đã xây dựng công trình lên rồi mà bảo tôi bỏ đi làm không được. Xã có yêu cầu chúng tôi tháo dỡ nhưng mà cũng phải hỗ trợ, bồi thường một ít cho người dân chứ” - ông Nguyễn Tri Ph. nói.
Những ngày qua, UBND xã Tiên Lãnh và UBND huyện Tiên Phước cử nhiều Đoàn cán bộ đến tuyên truyền người dân nắm bắt các quy định pháp luật, vận động bà con dừng xây dựng công trình trái phép, tự nguyện tháo dỡ các công trình trái phép.
Ông Võ Hồng Ánh, Trưởng thôn 2, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước cho biết, hiện có 25 hộ dân trong thôn có đất rừng, đất lúa, đất trồng cây lâu năm nằm trong khu vực quy hoạch dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế. Tại đây, còn có nhiều trường hợp người từ địa phương khác đến xây dựng công trình trái phép.
“Có nhiều hộ đã dừng xây dựng, tiến hành tháo dỡ công trình nhưng rất nhiều hộ kiên quyết không chấp hành. Có nhiều trường hợp người dân nơi khác đến đây phối hợp với người có đất trong vùng dự án để xây dựng công trình nhằm mục đích nếu nhà nước đền bù thì chia phần trăm” - ông Võ Hồng Ánh nói.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng xây dựng công trình trái phép trong vùng dự án xảy ra trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trước đây, khi triển khái dự án thuỷ điện sông Tranh 3, thuỷ điện sông Tranh 4 và đường dây 500KV, trên địa bàn xã này cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Hiện, trong số hàng chục hộ dân xây dựng công trình trái phép trong vùng dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế, có trường hợp là đảng viên, cán bộ thôn, công an viên… thiếu gương mẫu trong việc chấp hành quy định pháp luật.
Mới đây, UBND huyện Tiên Phước đã phê bình Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh trong công tác quản lý đất đai, xây dựng; chưa theo dõi, quản lý, bảo vệ hiện trạng, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm tại khu vực triển khai dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế. Ông Bùi Sang, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước cho biết, những ngày qua địa phương tiến hành đo đạc các thửa đất, xác lập hồ sơ và xử lý vi phạm hành chính, khẩn trương khôi phục hiện trạng.
“Những năm trước, người dân địa phương cũng từng ồ ạt xây dựng công trình trái phép. Đối với các dự án thuỷ điện thì các doanh nghiệp cũng đã thoả thuận, bồi thường cho người dân cho nên họ thấy vậy mà cứ tiếp tục xây dựng công trình trái phép. Đối với dự án hồ thuỷ lợi Hố Khế, UBND xã Tiên Lãnh sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng trái phép để tạo ra tiền lệ tại địa phương khi xây dựng các công trình tiếp theo” - ông Bùi Sang nói.
Dự án hồ thủy lợi Hố Khế do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm về phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Lãnh đạo huyện Tiên Phước đã chỉ đạo xã Tiên Lãnh tổ chức kiểm soát các tuyến đường vào khu vực triển khai dự án, nghiêm cấm phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, không để người dân tiếp tục xây dựng công trình trái phép.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với các trường hợp không tự tháo dỡ công trình vi phạm thì khẩn trương xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, tiến hành cưỡng chế để hoàn thành việc xác lập toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trước ngày 30/4.
“Tập trung chỉ đạo xử lý quyết liệt để làm gương cho người dân trong chấp hành quy định pháp luật trên lĩnh vực đất đai. Đã tiến hành tháo gỡ 8 công trình xây dựng trái phép. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, yêu cầu người dân tháo dỡ tất cả công trình còn lại để trả lại hiện trạng, gia đình nào không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án” - ông Nguyễn Hùng Anh nói./.