Nuôi gà thu 1.500 tỷ, bán trái cây gom 8.000 tỷ

Google News

Dù nuôi gà đồi, trồng cam, bưởi hay vải thiều thì nông dân Bắc Giang đều cho thu chục ngàn tỷ. Đây là thành quả khi nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngồi nhà thu tiền tỷ, không phải ra chợ bán 

Kết thúc vụ thu hoạch cam, bưởi 2020, ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, mùa này hàng dội chợ, nhiều tỉnh thành cam, bưởi của bà con bán với giá rất rẻ, song những loại trái cây này tại HTX của ông lại có giá ổn định, được các siêu thị bao tiêu toàn bộ.

Ông Dũng kể, trước năm 2013, ông và các hộ gia đình (giờ là thành viên trong HTX) trồng cây ăn trái thường không theo nguyên tắc nào, thích trồng, thích bón phân, phun thuốc trừ sâu gì cũng được. Lúc thu hoạch trái cây đem bán chất lượng không đồng đều, năm được năm mất, có năm ế ẩm, giá rẻ bèo bởi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. 

Nhưng từ năm 2013 trở lại đây, ông quyết định thay đổi thói quen này, chuyển sang trồng cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, vận động các hộ gia đình khác cùng tham gia tạo thành vùng trồng với quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất được hàng vào siêu thị.

Nuoi ga thu 1.500 ty, ban trai cay gom 8.000 ty

Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, ông Dũng bán ngàn tấn cam mà không phải ra chợ

“Mới đầu rất khó khăn vì người dân quen làm theo kiểu truyền thống. Bảo họ chuyển đổi, phải ghi nhật ký đồng ruộng chi tiết kiểu bao giờ tưới nước, bao giờ bón phân và bón loại nào; thuốc bảo vệ phun ra sao, loại nào được phép,... thì không dễ chút nào. Cũng may mọi người hiểu ra, chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, làm mất công hơn nhưng chi phí không tăng, sản phẩm làm ra lại đạt chất lượng, bán được giá cao”, ông nói.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thành công, HTX của ông được cấp mã số vùng trồng, có tem QR truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn để đưa hàng vào siêu thị. Siêu thị và HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Cây vải thiều cũng được sản xuất theo phương thức tương tự nên đợt giữa năm 2020 dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hơn 350 tấn vải của HTX vẫn tiêu thụ tốt, xuất hiện khắp các siêu thị.

“Quả cam, bưởi sản lượng khoảng gần 1.000 tấn. Tất cả đều được siêu thị bao tiêu hết sạch, tôi không phải ra chợ bán dù chỉ 1 cân”. Ông Dũng tiết lộ, năm vừa qua doanh thu của HTX đạt hơn 20 tỷ đồng, các thành viên trong HTX đều chia nhau tiền tỷ.

Tương tự, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lại làm hàng đạt tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Lân ở thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn) khoe, toàn bộ vải thiều được doanh nghiệp đến tận vườn thu mua, ông không phải vất vả chở từng sọt ra chợ bán như trước đó.

Gia đình ông chuyên làm vải thiều sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên doanh nghiệp đăng ký bao tiêu vải từ lúc quả còn xanh. Chưa kể, vải thiều ông trồng còn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá ngoài thị trường.

Với 3ha vải thiều, vụ vải vừa qua sản lượng trên 40 tấn, ông Lân thu khoảng 1,1 tỷ đồng, trừ chi phí chăm bón, thuê người bẻ vải,... lãi hơn 900 triệu đồng.

Nuoi ga thu 1.500 ty, ban trai cay gom 8.000 ty-Hinh-2

Anh Quý mỗi năm thu lãi gần 2 tỷ đồng từ con gà đồi Yên Thế

Mấy năm nay, anh Nguyễn Hữu Quý ở thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế, Bắc Giang) chuyển đổi làm con gà có chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Gà nuôi bán tự nhiên, chạy nhảy ngoài vườn đồi cho thịt chắc, thơm ngon, hợp với nhu thị hiếu tiêu dùng nên rất dễ bán, thương lái tới tận trại cân mua.

"Mỗi năm tôi xuất bán khoảng 33.000-36.000 con gà. Với giá bình quân khoảng trên 50.000 đồng/kg, gia đình tôi thu 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 1,7-2 tỷ đồng", anh Quý khoe.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 31.527 tỷ đồng. Theo đó, những vùng quê ngàn tỷ xuất hiện ngày càng nhiều, còn nông dân trở thành tỷ phú giờ không đếm xuể.

Ví như vùng gà đồi Yên Thế mỗi năm doanh thu tới 1.500 tỷ đồng, vùng cây có múi ở Lục Ngạn cho thu gần 1.000 tỷ đồng, hay quả vải thiều năm vừa qua cũng cho thu tới gần 7.000 tỷ đồng. 

Đổi mới tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm tỷ USD

Ông Dương Thanh Tùng khẳng định, kết quả trên cho thấy sự thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp. Quan trọng hơn, người nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, từ phương thức truyền thống sang liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học kỹ thuật truy xuất nguồn gốc, làm ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trước kia nông sản của bà con nông dân Bắc Giang từng ế ẩm phải bán với giá rẻ, phải kêu gọi giải cứu, còn có tình trạng trồng rồi chặt bỏ vì hàng không bán được. Nguyên nhân do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai người ấy làm, sản phẩm làm ra chất lượng không đồng đều, bị thương lái ép giá.

Để giải bài toán trên, cách đây 5 năm khi bắt đầu triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang xác định phải lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển thành sản phẩm chủ lực, đặc sản thế mạnh. Cần đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, hướng nông dân tham gia liên kết chuỗi sản xuất trên quy mô lớn để sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, ổn định đầu ra. Kết quả, những năm gần đây Bắc Giang không còn tình trạng được mùa mất giá, cũng không phải kêu gọi giải cứu.

“Trong chuỗi sản xuất, nhà nước đóng vai trò định hướng, nhà khoa học hỗ trợ còn nông dân là người trực tiếp làm. Điều dễ nhận thấy là tư duy của người nông dân Bắc Giang đã thay đổi, họ kiên trì và chịu khó tiếp thu, biết được lợi ích của liên kết trong sản xuất”, ông Tùng nói.

Nông dân hiểu được khi hội nhập, sản phẩm nông sản làm ra không chỉ để phục vụ thị trường nội địa mà còn để cạnh tranh với sản phẩm ngoại. Do đó, phải làm hàng chất lượng cao trên quy mô lớn, có doanh nghiệp tham gia.

Nuoi ga thu 1.500 ty, ban trai cay gom 8.000 ty-Hinh-3

Thay đổi thói quen sản xuất, nông dân Bắc Giang tham gia liên kết, làm ra sản phẩm chất lượng cao

Câu chuyện vải thiều là ví dụ điển hình cho thấy sự chuyển đổi này. Từ ế ẩm, bán giá siêu rẻ, nông dân chuyển sang trồng vải VietGAP, GlobalGAP với các chuỗi liên kết. Nhờ đó, vải thiều Bắc Giang ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước còn xuất đi hơn 30 nước trên thế giới. Năm 2020, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, nông dân Lục Ngạn còn thành công khi quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Dù cả mùa chỉ xuất được 60 tấn vải sang thị trường này, song nông dân đều hiểu ý nghĩa đằng sau là vô cùng lớn. “60 tấn vải xuất khẩu, số tiền thu về không đáng kể, thậm chí chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong con số gần 7.000 tỷ, nhưng lại khẳng định được chất lượng của trái vải, từ đó giá bán tăng cao, người tiêu dùng tin tưởng mua nhiều hơn. Cuối cùng, nông dân trồng vải được hưởng lợi”, ông chia sẻ.

Kiểm tra tình hình sản xuất cây ăn quả trọng điểm tại Bắc Giang vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt, biết cách khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương thì chính những nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh cũng có thể trở thành trăm triệu USD và tiến tới tỷ USD.

Song, ông cho rằng, để có những nhóm sản phẩm tỷ USD, trước khi sản xuất phải biết rõ nhu cầu thị trường, bán ở đâu, làm theo công thức gì, tiêu chuẩn quy chuẩn gì. Theo đó, nông dân, chính quyền các địa phương cần thay đổi nhận thức về vấn đề này. Tất cả phải cùng có trách nhiệm chăm lo để sản xuất theo chuỗi liên kết. Có như thế, chúng ta mới giải quyết được câu chuyện không sợ thừa, ế.

Theo Tâm An/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)