Người phụ nữ giàu nhất châu Á đã mất hơn một nửa tài sản trong năm qua khi cuộc khủng hoảng bao trùm lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.
Yang Huiyan, một cổ đông lớn của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Country Garden, đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình giảm hơn 52%, xuống 11,3 tỷ USD từ con số 23,7 tỷ USD một năm trước, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Tài sản của Yang đã bị ảnh hưởng lớn vào 27/7 khi cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Country Garden có trụ sở tại Quảng Đông giảm 15% sau khi công ty tuyên bố sẽ bán cổ phiếu mới để huy động tiền mặt.
Yang thừa kế tài sản khi cha của bà - người sáng lập Country Garden Yang Guoqiang - chuyển nhượng cổ phần của ông ấy vào năm 2005, theo truyền thông nhà nước. Bà trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á hai năm sau đó sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của nhà phát triển ở Hồng Kông.
Giá trị tài sản của Yang Huiyan sụt giảm mạnh làm dấy lên mối lo ngại về cuộc khủng hoảng thanh toán thế chấp của Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho hệ thống tài chính cùng các kênh cấp vốn. Có thể thấy, ngay cả nhà phát triển lớn nhất là Country Garden cũng không thể né tránh tác động của những vấn đề đang diễn ra.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp xử lý nợ vô cùng chặt chẽ trong lĩnh vực bất động sản vào năm 2020, khiến các công ty lớn như Evergrande và Sunac gặp khó khăn trong việc thanh toán và buộc họ phải thương lượng lại với các chủ nợ khi họ đang đứng trên bờ vực phá sản.
Một trong những thách thức lớn nhất của Country Garden là hầu hết các dự án mới ra mắt của họ đều ở các thành phố cấp 3 và cấp 2. Đây là nơi có nhóm người mua nhà thu nhập thấp nhiều hơn và có khả năng họ lỡ hạn thanh toán nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Trong khi đó, doanh thu tính theo hợp đồng của Country Garden đã giảm gần 40% xuống còn 185,1 tỷ NDT trong 6 tháng đầu năm nay. Bloomberg Intelligence dự đoán, nhà phát triển này sẽ cần chi tới 337 tỷ NDT – nhiều hơn các công ty cùng ngành, để "bơm tiền" cho các dự án bất động sản được bán trước nhưng chưa được đặt mua.
Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã kêu gọi các tổ chức cho vay hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và đáp ứng “nhu cầu tài chính hợp lý” của các công ty khi các nhà phân tích và hoạch định chính sách lo ngại sự lây lan tài chính.
Khu vực bất động sản ước tính chiếm 18-30% GDP của Trung Quốc và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng ngành công nghiệp đang sa lầy vào một “vòng luẩn quẩn” sẽ làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng, sau khi công bố số liệu tăng trưởng quý 2 ảm đạm, mức tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.