Sự việc Linh Le (Lê Thị Diệu Linh) - một nữ du khách 15 tuổi nghi mất tích ở Anh khi tham gia chuyến du lịch từ Việt Nam sang Anh đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước.
Theo đó, Lê Thị Diệu Linh được nhìn thấy lần cuối cùng khi đi với một chàng trai châu Á trên phố Coney, khu vực tường thành cổ gần nhà ga Station Rise vào 4h40 chiều 6/8.
Thời điểm trước khi mất tích, Diệu Linh mặc một chiếc áo khoác Ariana Grande màu trắng, quần short denim màu xanh nhạt và đeo ba lô màu trắng. Chàng trai đi cùng Linh khoảng 20 tuổi, mặc áo tối màu và đội mũ lưỡi trai màu đen.
|
Cô Linh Lê, 15 tuổi, mất tích tại thành phố York, Anh khi đang đi du lịch - Ảnh: North Yorkshire Police |
Đáng chú ý, đơn vị dẫn tour trong chuyến đi của Linh từ Việt Nam đến Anh là công ty TNHH MTV Ưu Thế Du Lịch, có tên khác là công ty Travel Plus địa chỉ tại 3/30A Thích Quảng Đức (phường 3, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Bá Thanh Tùng.
Ngoài trụ sở nằm ở địa chỉ nói trên, công ty Travel Plus còn có chi nhánh ở 4 tỉnh, thành phố khác gồm 47 Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), 05A Nguyễn Tri Phương (Phường Phú Hội, TP Huế) và số 11B Hòa Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Dư luận đặt ra câu hỏi, việc nữ du khách 15 tuổi mất tích khi tham gia tour du lịch, công ty Travel Plus có phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, câu chuyện khách du lịch mất tích không phải là chuyện lạ và hậu quả pháp lý sẽ rất khác nhau đối với từng vụ việc và vụ việc nữ du khách 15 tuổi mất tích cũng vậy.
“Đa số nguyên nhân khách du lịch “mất tích” thường thuộc hai trường hợp: Thứ nhất là khách du lịch chủ động trốn ở lại nước ngoài, trường hợp thứ hai là bị lạc hoặc bị bắt cóc”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo đó, với khách du lịch trốn ở lại nước ngoài thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, khách du lịch này sẽ bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại. Nếu hãng lữ hành tiếp tay cho khách trốn ở lại nước ngoài thì cũng sẽ bị chịu chế tài của pháp luật.
Đối với trường hợp khách du lịch bị lạc, bị bắt cóc hoặc gặp tai nạn trong quá trình thực hiện tour du lịch nếu xảy ra thì là trường hợp rủi ro, không may xảy ra đối với khách du lịch.
“Bởi vậy, quyền lợi của khách du lịch sẽ phụ thuộc vào nội dung hợp đồng của khách du lịch đối với hãng du lịch đó. Nếu hãng du lịch đó có lỗi hoặc vi phạm hợp đồng hoặc trường hợp khách hàng gặp tai nạn, rủi ro có được dự liệu trong hợp đồng, trong trường hợp này khách hàng sẽ được đền bù, bồi thường thiệt hại... khi đó sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hãng du lịch này”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Tuy nhiên, trong trường hợp những thiệt hại, rủi ro ngoài ý muốn, bất khả kháng xảy ra đối với khách du lịch trong quá trình thực hiện tour du lịch mà không do lỗi của bên thì đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch không có nghĩa vụ bồi thường.
“Trong vụ việc trên, trước tiên chưa thể khẳng định được điều gì. Cần chờ kết quả xác minh của cơ quan cảnh sát nước này để kết luận nguyên nhân sự việc. Kết quả giải quyết vụ việc sẽ theo nguyên tắc xác định lỗi nêu trên (phụ thuộc vào nguyên nhân khách du lịch mất tích và nội dung hợp đồng giữa hãng du lịch này với khách hàng)”, Luật sư Cường cho biết.
Qua vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường nhân định, đây là một bài học đối với các công ty lữ hành, du lịch cũng như đối với khách hàng trong việc kiểm soát rủi ro trong quá trình thực hiện các tour du lịch.
“Chuyện khách du lịch bị lạc khi đi du lịch không hiếm. Tuy nhiên, lạc đường, lạc nhau thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Chuyện lạc đường dẫn đến mất tích với những người đã trưởng thành, có phương tiện liên lạc thì chuyện này cũng ít xảy ra. Bởi vậy, cảnh sát của quốc gia này sẽ thu thập các thông tin, tài liệu, các dữ liệu điện tử để xác định nguyên nhân khách du lịch bị lạc là do đâu, có phải là do lạc đường, do nguyên nhân khách quan hay là một vụ án hình sự, từ đó mới có thể kết luận được vụ việc và có hướng giải quyết phù hợp”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.