Nông dân Ninh Bình dưỡng đất, cải tạo môi trường để thu "lộc trời"

Google News

Tháng 5, tháng 6 là ruộng nhiều cáy nhất và đây cũng là lúc con cáy mẩy và ngon nhất. Mỗi ngày, có gia đình bắt được tới 15-20 kg con cáy, thu về tiền triệu.

Khi vụ lúa Đông xuân chuẩn bị cho thu hoạch cũng là lúc người dân sống ven sông Đáy, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) bước vào chính vụ khai thác cáy trong năm. Mỗi ngày, có gia đình bắt được tới 15-20 kg cáy, thu về tiền triệu.

Nong dan Ninh Binh duong dat, cai tao moi truong de thu

Người dân xã Khánh Công (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đang bắt con cáy-con đặc sản ở vùng đất này.

Thính thơm dẫn dụ con cáy

Nhiều lần thưởng thức các món ngon được chế biến từ con cáy, tôi tò mò không biết cách mà bà con nông dân thu hoạch cáy như thế nào. Một ngày trung tuần tháng 5, tôi may mắn được những nông dân ở xã Khánh Công cho "mục sở thị" quy trình này.

Từ 4 giờ sáng, tôi có mặt tại vùng bãi ven đê sông Đáy để cùng bà con đi đặt bẫy, bắt cáy. Theo bà con, sở dĩ phải đi sớm trước khi mặt trời lên cao vì cáy vốn ưa mát mẻ, nếu muộn nó sẽ chết vì nắng nóng. Dẫu phải thức dậy từ sớm nhưng bù lại tôi được bà con nơi đây truyền cho bí kíp quan trọng nhất của người đi bắt cáy đó là kỹ thuật phối trộn mồi nhử.

Nong dan Ninh Binh duong dat, cai tao moi truong de thu

Mồi nhử con cáy được người dân xã Khánh Công, huyện Yên Khánh (tỉnh Bình Định) phối trộn từ cám gạo rang thơm, cá tươi và mẻ.

Bà Phạm Thị Sợi, một người dân ở xóm 5, xã Khánh Công chia sẻ: Không chỉ đơn thuần là cám gạo rang thơm, cá tươi băm nhỏ mà còn có cả mẻ - một gia vị truyền thống trong ẩm thực Việt Nam.

Cách làm mồi, bẫy cáy này do chúng tôi tự nghĩ ra rồi người này truyền cho người kia. Nói chung không mất nhiều công sức mà hiệu quả lại cao.

Cáy ngửi thấy mùi thính thì sẽ từ trong lỗ chui ra ăn mồi. Khi đã bò vào đó thì chúng không thể bò ngược trở lại.

Nong dan Ninh Binh duong dat, cai tao moi truong de thu

Bẫy con cáy chính là những chiếc đó nhỏ được đan bằng tre  

Sau khi trộn mồi xong, tôi lẳng lặng theo chân bà Sợi đi đổ đó cáy. Vừa đi bà Sợi vừa nói nhỏ: Dân gian đã có câu "nhát như cáy".

Đúng là con cáy rất nhát, hễ thấy bóng người hoặc nghe tiếng động là nó chui tọt vào lỗ trốn mất, vì vậy khi đi thu cáy phải đi lại rất nhẹ nhàng, tránh nói chuyện ồn ào.

Nói xong, tay cầm xô, tay cầm thính, bà lội xuống ruộng, các đó cáy đan bằng tre đã được đặt ven bờ ruộng từ hôm trước, đều tăm tắp 50-70 cm một chiếc, giờ bà chỉ việc nhấc lên, đổ cáy vào xô và phết mồi mới vào rồi lại đặt đó vào chỗ cũ.

Có lẽ do quá quen với công việc này nên các thao tác của bà nhanh thoăn thoắt, chỉ vỏn vẹn chừng 15-20 phút là cái xô nhựa đựng cáy đã đầy ăm ắp.

Một lát sau, đã có thương lái đến tận ruộng cân cáy, họ cho biết: Con cáy vùng này tuy nhỏ, màu sắc không đỏ bắt mắt như cáy vùng ven biển nhưng ăn lại không bị hôi và ngọt hơn nhiều do vậy rất dễ bán.

Nong dan Ninh Binh duong dat, cai tao moi truong de thu

Những con cáy ở ven sông Đáy tuy không to, màu sắc không bắt mắt như cáy vùng ven biển nhưng nổi tiếng là ngọt và thơm.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển sang ruộng của gia đình bà Phạm Thị Lĩnh (xóm 11, Khánh Công), sau hơn 2 tiếng đi đổ cáy, bà Lĩnh thu về một túi lưới đầy cáy, áng chừng tới 15 kg.

Theo bà Lĩnh, thời điểm tháng 5, tháng 6 là ruộng nhiều cáy nhất và đây cũng là lúc con cáy mẩy và ngon nhất. Hầu như ngày nào gia đình bà cũng thu hoạch cáy, chỉ thi thoảng nghỉ 1-2 ngày.

Hôm nào được nhiều thì được 15-20 kg, ngày ít cũng 6-7 kg. Mặc dù sản lượng lớn nhưng giá cáy thì vẫn luôn duy trì ở mức 70.000-100.000 đồng/kg, bởi vốn dĩ mùa hè oi ả, được ăn bát canh cáy nấu rau đay thì không gì hơn được.

Nong dan Ninh Binh duong dat, cai tao moi truong de thu

 

Vào mùa tháng 5, tháng 6, một ngày trung bình mỗi gia đình ven con sông Đáy ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có thể bắt được trên dưới 10 kg cáy đặc sản.

"Ở xã có khoảng hơn chục hộ gia đình nhận thầu bãi ven sông như gia đình tôi. Từ khi chuyển sang làm lúa hữu cơ kết hợp thu rươi, thu cáy, đã giúp chúng tôi có cuộc sống khá giả hơn nhiều." - bà Lĩnh nói.

"Lộc trời" không phải tự dưng mà có

Nằm dọc con sông Đáy, sở hữu vùng đất bãi rộng lớn, thường xuyên được phù sa bồi đắp, cùng với rươi, cáy cũng là con đặc sản tự nhiên mà xã Khánh Công được thiên nhiên ưu ái ban tặng.

So với con rươi, thời gian khai thác cáy dài hơn. Vụ khai thác cáy thường bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 11 dương lịch hằng năm, trong đó trọng tâm là từ tháng 5 đến hết tháng 7.

Bà con thường ví đây là "lộc trời" thế nhưng "lộc trời" chẳng phải tự nhiên mà có. Hàng chục năm nay, người dân đã kỳ công dưỡng đất, cải tạo, giữ gìn môi trường để các loài sinh vật này có điều kiện sinh sôi, nảy nở.

Nong dan Ninh Binh duong dat, cai tao moi truong de thu

Vùng đất bãi ven dòng sông Đáy cấy lúa kết hợp khai thác rươi, cáy rộng hàng chục ha ở xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Ông Phạm Văn Xuyền (xóm 11, Khánh Công) chia sẻ: Một năm gia đình chỉ cấy một vụ lúa Đông xuân, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, nói không với thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, hầu hết hoạt động canh tác được thực hiện theo phương thức thủ công.

Tháng 5, tháng 6, sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành cầy xới đất lại, đánh rạch, khoi nước, sau đó rắc phân ủ mục với trấu để tạo chất dinh dưỡng cho đất.

Bên cạnh đó, phải điều tiết để đảm bảo nước thủy triều ra vào liên tục, không được tù đọng. Sau vài năm kiên trì làm như vậy, con cáy, con rươi mới dần dần xuất hiện và có được sản lượng ổn định như hiện nay.

Bà Phạm Thị Sợi cũng cho biết thêm: Chúng tôi đã phải ngày đêm ăn ngủ, gắn bó với bờ bãi, thường xuyên theo dõi dòng nước lên xuống, hôm nào cảm thấy nước sông Đáy không được trong lành là phải lập tức ngăn cống để không cho nguồn ô nhiễm tràn vào, bởi chỉ cần một chút lơ là nguồn lợi thủy sản có thể biến mất. Ngoài ra, khi thu hoạch, hễ thấy con cáy nào đang mang trứng tôi cũng thả lại tự nhiên để chúng sinh sôi.

Chỉ qua những lời chia sẻ trên cũng đủ thấy người dân nơi đây trân quý tự nhiên, trân quý từng tấc đất thế nào.

Thật mừng vì bà con đã từ bỏ tư duy sản xuất manh mún, biến những lợi thế vốn có thành những giá trị lớn hơn, bền vững hơn. Cách làm này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, gắn kết với du lịch mà tỉnh Ninh Bình đang hướng đến.

Thiết nghĩ, thời gian tới, cần thêm sự vào cuộc của ngành chuyên môn để hỗ trợ địa phương nghiên cứu, điều tra, đánh giá đặc điểm, chất đất, nguồn nước, xác định rõ những khu vực nào có tiềm năng có thể tiếp tục mở rộng diện tích làm rươi, cáy.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho lúa hữu cơ, mắm cáy và rươi của địa phương, cùng với đó thiết lập các sản phẩm du lịch phục vụ du khách về tham quan, trải nghiệm... Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Theo Nguyễn Lựu/Báo Ninh Bình

>> xem thêm

Bình luận(0)