Đi khắp mọi miền tuyển trâu dũng mãnh
Nhiều năm nay, tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nổi lên nghề tuyển trâu chọi. Một số hộ dân tại đây tỏa đi khắp nơi tuyển những con trâu lực lưỡng, dũng mãnh mang về chăm sóc để bán ra thị trường, đặc biệt là thị trường Đồ Sơn, Hải Phòng.
Người nuôi trâu chọi tại xã Bình Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An trong một lần mang trâu chọi ra thử sức để đánh giá năng lực chiến đấu của từng con trâu. Video: C.Th
Từ những con trâu được "tuyển" có giá 30 - 50 triệu đồng/con, sau thời gian chăm sóc, huấn luyện để trở thành trâu chọi có thể bán với giá trên 100 triệu đồng, thậm chí có con bán với giá hơn 400 triệu đồng.
Tại xã Bình Sơn, hiện có hàng chục hộ dân làm nghề chăm sóc trâu chọi mang lại thu nhập cao. Đây cũng là nơi mà nhiều thương lái tìm về để mua trâu chọi.
Với kinh nghiệm của mình, người đi tuyển trâu chọi thường xem rất kỹ hình thể con trâu, dáng đi, tuổi trâu, kích cỡ và độ cân đối của cặp sừng. Điều đặc biệt, người tuyển trâu chọi thường chú ý đến những xoáy xuất hiện trên trán và thân con trâu.
Những con trâu có xoáy ở các vị trí này thường bộc lộ các đặc tính như hiếu chiến, sức mạnh, có các đòn tấn công uy lực, rất hiểm để có thể hạ gục đối thủ trong chỉ một lần tấn công.
Làm nghề nuôi trâu chọi nhiều năm nay, anh Châu Văn Vinh (trú tại xã Bình Sơn) cho biết, mỗi năm gia đình anh đều bán 2 - 3 con trâu chọi ra Đồ Sơn, Hải Phòng. Con trâu chọi mà anh bán với giá cao nhất là 180 triệu đồng.
Hiện tại trong chuồng trại của gia đình anh Vinh có nhiều con trâu chọi được tuyển từ khắp nơi về. Trong đó, có một con đã được thương lái trả giá 150 triệu đồng nhưng anh chưa đồng ý bán.
Trong khi anh Vinh rong ruổi khắp nơi để tuyển trâu chọi thì công việc chăm sóc trâu được giao lại cho vợ. Hàng ngày trâu chọi phải được dắt ra khỏi chuồng, cho đi tập thể dục, tăng cường vận động. Sau đó trâu cần được tắm sạch sẽ và cho ăn đầy đủ. Thức ăn của trâu chủ yếu là cỏ voi và ngọn mía.
Người nuôi trâu chọi phải luôn theo dõi diễn biến sức khỏe của trâu, nhất là những ngày mưa lạnh hoặc những thời điểm thường xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc để kịp thời chữa trị.
Để thử sức từng con trâu, người nuôi cũng mang ra chọi thử để đánh giá năng lực chiến đấu của trâu. Khi các hộ dân mang trâu ra chọi thử, địa phương yêu cầu phải có dây để giữ trâu, đảm bảo an toàn. Khi những con trâu quá hung hăng, cuộc chiến trở nên căng thẳng người dân sẽ kéo dây tách hai con trâu ra, tránh những tổn thương không đáng có.
Giá trâu chọi đắt gấp 5 lần trâu thịt
Nổi tiếng nhất trong nghề nuôi và buôn bán trâu chọi tại xã Bình Sơn là anh Hoàng Bá Thông. Một lần, có người anh kết nghĩa từ Đồ Sơn vào Nghệ An tìm mua trâu chọi, anh Thông đã đi cùng. Theo người này đi tuyển trâu chọi, ngắm những con trâu dũng mãnh và được chia sẻ các bí quyết tuyển trâu chọi, anh Thông mê luôn cái nghề này.
Đến nay, anh Thông đã theo nghề buôn và nuôi trâu chọi hơn 20 năm. Sau khi mua được trâu, anh Thông đưa về, chọn những hộ kinh nghiệm để thuê nuôi trâu với giá 1 - 1,5 triệu đồng/tháng/con.
Hiện tại, anh Thông đang gửi trâu cho 15 hộ nuôi, hộ ít nhất 1 con, hộ nhiều lên đến 6 con. Hàng tháng, anh Thông đến từng hộ dân trả tiền công, nhờ vậy nhiều gia đình có thêm thu nhập.
Nhận nuôi 6 con trâu chọi, anh Nguyễn Văn Sân được trả công gần 10 triệu đồng/tháng. Tại đây nguồn thức ăn cho trâu rất dồi dào nên chỉ cần bỏ công chăm sóc. Khi trâu chọi bán được giá cao người nuôi trâu còn được "thưởng".
Trung bình mỗi con trâu có trọng lượng 700 - 800kg, nếu bán trâu thịt thì chỉ được khoảng 40 - 45 triệu đồng. Nhưng nếu con trâu được "tuyển" bán làm trâu chọi giá trị sẽ cao gấp 3 đến 5 lần.
Ông Dương Công Ngọc – Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, hiện tại tổng đàn trâu bò trên địa bàn có khoảng 1.400 con. Chủ yếu người dân nuôi để bán thịt, những năm gần đây giá trâu, bò xuống thấp nên người nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Trên địa bàn cũng có một số hộ dân nuôi trâu chọi mang lại lợi nhuận cao, kinh tế khá giả. Bên cạnh đó, nghề buôn bán trâu chọi cũng giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân khác khi nhận trâu về chăm sóc thuê.
Địa phương cũng tạo điều kiện để các hộ dân phát triển nghề mua bán, chăm sóc trâu chọi. Từ đó, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.