Mận rụng vì mưa đá, sụt giá đến 60 lần
Sáng 30/3, gia đình anh Lê Văn Trung (35 tuổi, trú tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu) buồn bã nhặt những quả mận non đã rụng sau trận mưa đá xảy ra cách đây 2 ngày.
Vào trung tuần tháng 3/2024, vợ chồng anh Trung rất háo hức thực hiện các công tác chuẩn bị cho ngày gặt hái thành quả sau một năm lao động vất vả. Lán trại, bao bì đã được chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thu hoạch mận hậu, dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 4, kéo dài đến đầu tháng 5.
|
Gia đình anh Lê Văn Trung buồn bã thu gom những quả mận non bị rụng do mưa đá. Ảnh: Anh Nguyễn |
"Gia đình tôi có trồng 100 cây mận trên diện tích khoảng 3.000m2. Thu nhập của cả nhà chủ yếu trông chờ vào vụ mận, bao nhiêu công sức chăm bón đến nay gần như mất trắng. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là được thu hoạch, vậy mà mưa đá xuất hiện, năm nay khó rồi!", anh Trung buồn bã nói.
Anh Trung tâm sự, hai hôm nay, thấy vợ bật khóc mỗi khi ra thăm vườn, anh phải động viên nhiều để vợ nguôi ngoai.
Để khắc phục phần nào thiệt hại, người dân tại tiểu khu Pa Khen đi gom số mận rụng tại vườn để bán cho thương lái. Số mận non sẽ được thương lái thu mua với số tiền 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để so với giá 60.000 đồng/kg mận chín (giá mận hiện bán tại vườn) thì phần thiệt hại được khắc phục không đáng kể.
|
Anh Lê Văn Trung ngậm ngùi khi thương lái mua gom mận rụng với giá chỉ 1 nghìn đồng mỗi kg. Ảnh: Anh Nguyễn |
Trận mưa đá diễn ra chiều 28/3 tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mộc Châu với cường độ mạnh trong 2 đợt đã gây thiệt hại nặng nề về cây ăn quả của bà con. Các viên đá có đường kính từ 1 đến 2 cm làm ảnh hưởng khoảng 2.500 hecta mận hậu đang ra quả tại các tiểu khu: Pa Khen, Tà Lọong, Chờ Lồng, Mía Đường, Bản Ôn…
Mận mất mùa, sổ đỏ còn nằm ngân hàng
Là gia đình có diện tích trồng mận lớn, sau khi trận mưa đá kết thúc, anh Đỗ Hữu Quảng (29 tuổi, trú tại tiểu khu Pa Khen) còn không dám ra xem vườn mận. Có thâm niên trồng mận lâu năm, anh Quảng hiểu hơn ai hết, với trận mưa đá lớn như vậy thì mùa mận năm nay của người dân coi như đã mất trắng.
"Đây là trận mưa đá gây thiệt hại lớn nhất từ khi tôi trồng mận. Năm 2018, có mưa đá nhưng cũng không gây thiệt hại nhiều như thế này", anh Quảng ngậm ngùi nói.
|
Xót xa vì mận rụng la liệt nên gần 1 ngày sau trận mưa đá, anh Đỗ Hữu Quang mới dám ra thăm vườn. Ảnh: Anh Nguyễn |
Anh Quảng chia sẻ, để đầu tư vào vụ mận hậu, đa phần người dân nơi đây đều vay tiền ngân hàng, phần đông là vay 300-400 triệu đồng. Nếu như được mùa, được giá thì một năm có thể thu hồi hết vốn và có lãi, nhưng chỉ cần một năm mất mùa là phải làm 3 năm được mùa mới mong hòa vốn.
"Số tiền đầu tư tùy thuộc vào tình hình kinh tế của mỗi gia đình, nếu có điều kiện thì dùng phân bón loại tốt, thuê người tỉa cành, làm cỏ. Với 3 hecta nhà tôi đầu tư loại phân tốt, làm cỏ tỉa cành đầy đủ thì tổng chi phí hơn 200 triệu đồng một năm. Năm nay mất mùa nên sổ đỏ vẫn phải cắm ở ngân hàng", anh Quảng chia sẻ.
|
Nhiều diện tích trồng mận hậu hứng thiệt hại nặng nề sau trận mưa đá ngày 28/3. Ảnh: Anh Nguyễn |
Nói về thiệt hại sau trận mưa đá vừa qua, ông Trần Quang Hoàng, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết: “Hiện địa phương đang đi rà soát, thống kê mức độ thiệt hại của các hộ dân, dự kiến hết ngày hôm nay sẽ có số cụ thể để báo cáo lên UBND huyện, từ đó có phương án hỗ trợ người dân. Đa số người dân vay mượn ngân hàng để đầu tư trồng mận, rất vất vả”.
Được biết, mận hậu là loại trái cây ăn quả chủ lực của nông dân tỉnh Sơn La. Không chỉ nổi tiếng khắp cả nước, đặc sản mận hậu Sơn La còn gây tiếng vang trên thị trường quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao khi được xuất khẩu sang nhiều nước như Singapore, Malaysia, Campuchia.