Alejandro Martinez không thể đi đến nhà máy của anh suốt 5 tháng nay bởi anh sợ bị giết hay bắt cóc.
Doanh nhân Venezuela này có một cơ sở sản xuất ở địa phận phức tạp của thủ đô Caracas, nơi các băng đảng vũ trang địa phương đòi các công ty trả biền bảo kê, để các chủ doanh nghiệp và nhân viên không bị tấn công, BBC cho biết.
"Chúng dọa giết hoặc bắt cóc những người không trả tiền bảo kê", doanh nhân 40 tuổi kể.
|
Doanh nhân Alejandro Martinez phải ngồi xe lăn sau một tai nạn do lướt sóng khi anh mới 20 tuổi. Ảnh: BBC. |
Trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela tiếp tục sa lầy trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 70 năm qua, Martinez thực sự không có tiền để trả cho những tên tội phạm nên anh phải lánh nạn
Việc Martinez đang phải sử dụng xe lăn sau một tai nạn lướt sóng khi anh 20 tuổi dường như không phải là mối bận tâm đối với các băng đảng địa phương.
Chúng cũng chẳng quan tâm tới việc công ty Discapaland của anh là công ty duy nhất tại Venezuela chuyên thiết kế các sản phẩm cho người tàn tật như nạng, dốc thoải cho người tàn tật và xà kép. Martinez thăm nhà máy lần cuối vào tháng 11, nhưng nói rằng anh không còn khả năng đối phó với mối đe dọa từ các nhóm xã hội đen.
Sau khi chứng kiến một người bạn bị bắt cóc vì không trả tiền bảo kê (cuối cùng cô được thả ra sau khi gia đình cô trả một khoản tiền chuộc), doanh nhân Martinez lo sợ rằng việc chúng bắt cóc anh rồi nhét vào phía sau xe hơi sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
"Sự đe dọa của chúng quấy rối tâm trí tôi hàng ngày. Tôi không thể tập trung làm việc với suy nghĩ chúng sẽ bắt cóc tôi", anh thừa nhận.
Trong 5 tháng qua, Martinez và hai nhân viên mưu sinh bằng cách bán một số các sản phẩm mà họ đã dự trữ. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp ở Venezuela lên tới mức 17%, và người tàn tật phải vật lộn để tìm việc làm, việc buôn bán diễn ra khá chậm.
Cho dù các băng nhóm có vũ khí không hăm dọa bạn, đây cũng là một giai đoạn khó khăn để kinh doanh ở Venezuela.
Môi trường kinh doanh tệ hơn cả Syria
Venezuela đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có môi trường kinh doanh tệ nhất, theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2016.
WB cũng chỉ ra rằng chỉ Nam Sudan và Libya, những nước đang chìm trong nội chiến, và Eritrea, quốc gia đang chịu sự điều hành của chế độ độc tài quân đội, có môi trường kinh doanh khó khăn hơn. Theo WB, kinh doanh ở Syria vẫn dễ dàng hơn so với Venezuela.
Báo cáo của WB cho thấy Venezuela đạt điểm thấp trong 10 tiêu chí mà báo cáo đưa ra để đánh giá mỗi nước, từ mức độ dễ dàng để lập doanh nghiệp, đến khả năng bảo vệ các nhà đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu. Tình trạng này có thể chấp nhận được nếu nền kinh tế dựa trên dầu mỏ của Venezuela hoạt động tốt. Nhưng các nhà phân tích dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Venezuela sẽ giảm 8% trong năm nay, sau khi giảm 5,8 % vào năm 2014.
Nhập lậu nguyên liệu để sản xuất
Juan Manuel Torres, Daniel Dimas, Rafael Rojas – đều 24 tuổi - lập một nhà máy bia nhỏ ở thủ đô Caracas. Ba người chọn giải pháp buôn lậu các nguyên liệu chính vào đất nước – bao gồm lúa mạch và hoa bia, những thành phần cần thiết để sản xuất bia.
“Chúng tôi mang về các nguyên liệu sản xuất bia bên trong hành lý mỗi khi chúng tôi đi ra nước ngoài", anh Torres nói. "Đây dường như là cách duy nhất".
Ba người cũng thừa nhận rằng họ cũng phải mua USD trên thị trường chợ đen.
Dù khó khăn, họ có thể sản xuất 1.000 lít bia một tháng trong một ngôi nhà ở phía đông Caracas. Anh Torres khoe: "Hiện tại chúng tôi sẽ có đủ bia để thỏa mãn khách hàng".
Trong khi 1,5 triệu người Venezuela, tức gần 6 % dân số, đã rời đất nước từ năm 2010, nhiều doanh nhân trẻ khác quyết tâm ở lại và cố gắng để cải thiện tình hình.
Hai anh em Alejandro, 27 tuổi, Enrique, 24 tuổi và Carlos Maduro, 30 tuổi là những người như vậy. Họ điều hành Rapikito, một chuỗi gồm bốn siêu thị mini mà họ thành lập năm 2012 nhờ tiền tiết kiệm từ thời thiếu niên và khoản vay ngân hàng.
Do tình trạng thiếu thực phẩm trên diện rộng của đất nước, hiện tại họ không thể cung cấp bánh mì, rau hoặc thịt, mà - nếu có - cũng chỉ có ở những siêu thị lớn. Vì vậy, thay vào đó, Rapikito tập trung vào khoai tây chiên, bánh kẹo, rượu và nước giải khát.
Alejandro Maduro cho biết, tỷ lệ lạm phát cao ngất ngưởng và việc kiểm soát mức giá doanh nghiệp ấn định khiến cho việc tạo ra lợi nhuận trở nên vô cùng khó khăn, nhưng họ vẫn gắn bó với công ty và Venezuela.
"Nếu chúng tôi rời khỏi đất nước, quốc gia sẽ còn lại gì?", anh đặt câu hỏi.
Mời quý độc giả xem video Top tỷ phú giàu nhất 2015 (nguồn Youtube):