Bầu Đức: Từ bỏ mảng bất động sản là tôi sai
Trả lời cổ đông về việc có những mảnh đất tốt có đầu tư bất động sản không, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch HAGL – cho biết: "Năm 2008 tôi dám khẳng định HAGL là công ty bất động sản số 1. Nhưng, mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ tôi khẳng định tôi đã sai.
Dù vậy, trong cái rủi có cái may, nếu còn làm bất động sản thắng hay thua tôi chưa biết, nhưng nông nghiệp đang có hướng đi tốt.
Bất động sản thời điểm năm 2021, HAGL từ bỏ rất quyết liệt để chuyển sang nông nghiệp. Lúc đó, HAGL không sai vì giá cao su cao.
Bây giờ, HAGL sẽ không bất động sản nữa, tôi khẳng định. Mình đã đi qua rồi không đi lại, vì rất nhiều đại gia bất động sản đã đi rồi, HAGL quay lại sẽ khó cạnh tranh".
Chưa kể, mảng nông nghiệp rất rộng, từ trồng trọt đến chăn nuôi. Và Covid-19 vừa rồi nhiều ngành chết nhưng nông nghiệp vẫn sống khoẻ, đó là minh chứng. Nếu có mảnh đất nào trong tương lai tốt, HAGL có thể liên doanh với đối tác nào đó nhưng sẽ là đầu tư, thu hồi tiền về để trả nợ.
|
Bầu Đức bỏ bất động sản qua làm nông nghiệp |
Sếp BĐS ôm chục tỷ trước khi bị bắt
Ngay sau khi tin ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (45 tuổi), Tổng giám đốc Thuduc House, bị bắt vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào chiều 25/11, cổ phiếu CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) đã lao nhanh xuống mức giá sàn.
Đáng chú ý, trước thời điểm bị bắt, trong khoảng cuối tháng 10 vừa qua, ông Hoàng đã đăng ký bán ra 1,75 triệu cổ phần TDH. Song song với đó, công ty liên quan là CTCP Phát triển Nhà Daewon - Thủ Đức cũng đăng ký bán 311.941 cổ phiếu TDH.
Đặc biệt, trong phiên 1/11 xuất hiện giao dịch thỏa thuận với khối lượng trùng khớp với lượng cổ phần bán ra của vị Tổng Giám đốc này. Như vậy, ngay trước thời điểm bị bắt, khả năng cao ông Hoàng đã bán xong cổ phần TDH, thu về 22,7 tỷ đồng tương đương mức giá thực hiện 13.000 đồng/cp.
Từ 21/10, TDH bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo. TDH bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ông Nguyễn Đức Hưởng bất ngờ tái xuất
CTCP CMVIETNAM vừa có biên bản thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch LienVietPostBank - thành thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) thay cho ông Dương Ngọc Trường.
Ông Nguyễn Đức Hưởng được chính chủ tịch HĐQT CMS Phạm Minh Phúc đề cử giữ chức danh thành viên HĐQT. Ông Hưởng sẽ giữ chức danh trên cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất để tham gia vào công tác giám sát các hoạt động của Ban điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Như vậy, sau ba năm rời vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng bất ngờ trở lại thị trường.
|
Ông Nguyễn Đức Hưởng |
Ông Hưởng là một trong những người gây dựng và phát triển thành công LienVietPostBank, với khoảng 10 năm gắn bó. Tên tuổi của ông gắn liền với LienVietPostBank - được xem là ngân hàng tốt nhất trong nhóm 3 ngân hàng được thành lập mới cách đây 10 năm. Tháng 3/2018, ông rời vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này vì lý do cá nhân.
Sau một thời gian khá kín tiếng, ông Hưởng dần quay trở lại qua một số sự kiện gần đây. Với sự có mặt trong HĐQT CMS, ông Hưởng chính thức đánh dấu chính thức trở lại hoạt động kinh doanh ở một vai trò mới.
Bầu Thụy lập kỷ lục hiếm có
Công ty cổ phần Thaiholdings đăng ký bán toàn bộ 14,2 triệu cổ phần chiếm 19,52% tổng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội. Giá chuyển nhượng dự kiến: Không thấp hơn 60.000 đồng/ cổ phần. Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện trong quý 4/2021.
Công ty Tôn Đản Hà Nội chính là chủ sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower tọa lạc trên khu “đất vàng” 2 mặt tiền tại số 17 Tông Đản và 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Như vậy với việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Tôn Đản, lợi nhuận hợp nhất của Công ty cổ phần Thaiholdings năm 2021 gần bằng vốn điều lệ, lên tới 3.500 tỷ đồng. Đây là mức kỷ lục về lợi nhuận của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Một trong những công ty thuộc hệ sinh thái của Thaiholdings, Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup cũng công bố việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội. Thaigroup sẽ chuyển nhượng hơn 58 triệu cổ phần (chiếm 80,45% tổng vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội) với giá chuyển nhượng và thời gian thực hiện tương tự như Thaiholdings. Nếu việc chuyển nhượng được hoàn tất, Thaiholdings và Thaigroup sẽ thu về ít nhất 4.400 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty cổ phần Thaiholdings đăng ký bán toàn bộ 22,4 triệu cổ phiếu LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), dự kiến được thực hiện từ ngày 4/11 tới ngày 3/12 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Ông Nguyễn Văn Thuyết, em trai ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 330.000 cổ phiếu LPB. Thời gian giao dịch dự kiến từ 19/11 đến 18/12/2021, với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Thaiholdings cũng là tổ chức liên quan Bầu Thụy. Ông hiện không giữ chức vụ nào tại Thaiholdings nhưng vẫn là cổ đông sáng lập và sở hữu 24,5% cổ phần.
Thế hệ doanh nhân tỷ phú mới
The Economist (Anh) nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh đồng nghĩa với việc danh sách tỷ phú có thể sẽ dài hơn.
Đứng đầu danh sách những người giàu nhất phải kể đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Vingroup, và là người đầu tiên gia nhập "câu lạc bộ" những người giàu nhất Việt Nam. The Economist cho biết, rất khó tìm thấy mảng dịch vụ trong nước mà Vingroup chưa tham gia, từ du lịch, bệnh viện, đến giáo dục cho đến sản xuất ô tô. Giá trị của doanh nghiệp có thể hơn 15 tỷ USD, một thang điểm có thể đưa một công ty Mỹ vào danh sách chỉ số S&P 500.
Sau đó, Việt Nam xuất hiện thêm nhiều tỷ phú hơn, trong đó có bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ngoài ra còn có nhà sáng lập Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank.
Theo The Economist, cả bốn vị tỷ phú đều có một điểm chung: nơi khởi đầu cho sự nghiệp kinh doanh của họ đều từ Liên Xô cũ.
Ông Vượng đã cho ra đời thương hiệu mì ăn liền Mivina, trở thành mặt hàng chủ lực ở Ukraine. Còn bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên tại trường đại học ở Moscow bằng việc nhập khẩu thiết bị văn phòng và các mặt hàng tiêu dùng từ Đông Á.