Thông tin về việc nhiều tiểu thương kinh doanh, buôn bán hoa quả tại chợ Nam Thành (phường Nam Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) liên tục căng băng rôn “kêu cứu”, đồng thời gửi đơn đến các cơ quan chức năng của TP Ninh Bình và UBND tỉnh Ninh Bình để kiến nghị về chủ trương di chuyển địa điểm đến chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình (Ninh Tiến, TP Ninh Bình) đang thu hút sự chú ý của dư luận.
|
Các tiểu thương kinh doanh, buôn bán hoa quả tại chợ Nam Thành căng băng rôn "kêu cứu". |
Nhằm thông tin khách quan, đa chiều các nội dung liên quan, ngày 3/3/2023 phóng viên báo Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Phạm Đức Thế - Chủ tịch UBND phường Nam Thành (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND phường Nam Thành cho biết, chợ Nam Thành hiện có khoảng 72 tiểu thương đang kinh doanh. Chủ trương của thành phố ngay từ đầu quy hoạch chợ Nam Thành là chợ dân sinh hạng 3 do phường Nam Thành quản lý.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, chợ Nam Thành hoạt động có tình trạng mất an ninh trật tự, mất trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Tranh giành bốc vác, có dấu hiệu cầm đầu trong việc bắt chẹt các nhà xe để thu lợi bất chính.
Trước những phản ánh của nhân dân, cuối năm 2019, đầu năm 2020 đúng dịp chợ Nam Thành xuống cấp trầm trọng, qua khảo sát không đảm bảo nên UBND phường Nam Thành đã cho chợ tạm dừng, chuyển tạm ra qua bờ kênh Đô Thiên để sửa chữa lại.
|
Bảng nội quy mới tại chợ Nam Thành. |
“Để lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường ở khu vực này UBND phường cũng ban hành các nội quy, thông báo cho tiểu thương biết, các tiểu thương nào đáp ứng được nội quy, quy định của chợ đưa ra thì làm đơn xin tiếp tục kinh doanh. Tất cả các nội quy, quy định của phường đưa ra đã xin thành phố thẩm định trước khi thực hiện”, ông Phạm Đức Thế thông tin.
Ông Phạm Đức Thế nhấn mạnh: “Để lập lại an ninh trật tự, trật tự đô thị, an toàn giao thông… quản lý chợ Nam Thành theo đúng chủ trương là chợ dân sinh, phường đã xây dựng phương án, tập trung vận động, tuyên truyền cho các tiểu thương, tuyệt đối không cấm đoán kinh doanh mà yêu cầu các tiểu thương phải chấp hành quy chế quản lý đô thị, chấp hành an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…”.
“Hiện nay, có một quy định mà chúng tôi đưa ra tại chợ bà con đang rất phản đối, đó là thời gian hoạt động từ 4h sáng đến 21h đêm. Chợ này là chợ hạng 3 thì mô hình hoạt động phải đúng bản chất của chợ dân sinh. Tất các các tiểu thương vào hoạt động phải đảm bảo về giờ giấc”, ông Thế nói.
|
Chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình xây dựng quy mô, hiện đại nhưng nhiều tiểu thương ở chợ Nam Thành không mặn mà. |
Trả lời về thông tin, tiểu thương cho rằng bị chính quyền sở tại o ép, gây khó dễ để buộc họ phải chuyển lên chợ đầu mối mới, Chủ tịch UBND phường Nam Thành khẳng định: “Từ khi bắt đầu cho đến bây giờ, phường chưa xử lý một trường hợp nào. Trong công tác vận động, nếu các tiểu thương cảm thấy chấp hành được các nội quy, quy định ở đây thì cứ việc kinh doanh ở đây. Nếu không thì tìm địa điểm kinh doanh để phù hợp vì quyền kinh doanh là của tiểu thương.
Chúng tôi cũng có giới thiệu có chợ đầu mối đảm bảo các tiêu chuẩn, nếu các tiểu thương ở đây mà kinh doanh lượng hàng hóa quá lớn, không thực hiện được nội quy, quy định của chợ dân sinh này thì cũng nên tìm địa điểm kinh doanh cho phù hợp”.
Trước đó, như TTCS đã đưa tin, các tiểu thương kinh doanh, buôn bán hoa quả tại chợ Nam Thành phản ánh, từ cuối năm 2022, khi chợ đầu mối tổng hợp Ninh Bình (mọi người hay gọi là chợ “Ông Chất”, TP Ninh Bình) đi vào hoạt động, họ liên tục bị một số người gây sức ép, như: Cấm bốc dỡ, thu mua hàng hóa trước 4h sáng, dọa cắt điện vào ban đêm, lắp các biển báo giao thông xung quanh chợ cấm xe ô tô trên 1,25 tấn ra vào,… để buộc tiểu thương di chuyển đến chợ mới này.
Đồng thời, chợ Nam Thành cũng nhanh chóng được chuyển thành chợ dân sinh và chỉ hoạt động từ 4h sáng đến 21h hàng ngày. Điều này khiến việc kinh doanh của các tiểu thương tại chợ Nam Thành gặp khó khăn, buôn bán đình trệ, hàng hóa thì bị hư hỏng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 02/2003/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 114/2009/NĐ-CP gồm các hạng sau:
Phân loại chợ.
1. Tất cả các chợ đều phải được phân loại theo tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tiêu chuẩn phân loại chợ:
a) Chợ loại 1:
Là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch;
Được đặt ở các vị trí trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của tỉnh, thành phố hoặc là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên;
Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức đầy đủ các dịch vụ tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác.
b) Chợ hạng 2:
Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch; được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ chức họp thường xuyên hay không thường xuyên; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động chợ và tổ chức các dịch vụ tối thiểu tại chợ: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, vệ sinh công cộng.
c) Chợ loại 3:
Là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố.
Chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.