Những toan tính của Thế giới Di động khi thâu tóm Trần Anh

Google News

Vốn hóa thị trường của TAG là 820 tỷ đồng, sau khi M&A thành công, MWG sẽ điều hành các cửa hàng hiện tại của TAG và giữ nguyên thương hiệu Trần Anh trong vòng 12-18 tháng.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đã chính thức xác nhận CTCP Thế giới số Trần Anh (mã chứng khoán: TAG) là chuỗi điện máy mà công ty sẽ mua lại. Phía TAG cũng đã xác nhận và hiện đang xin ý kiến chấp thuận của cổ đông cho phép MWG mua lại hơn 25% cổ phần mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, đồng thời chuyển niêm yết cổ phiếu trên HNX sang UPCoM sau khi chuyển nhượng cổ phần.

Thương vụ M&A giữa Thế giới di động với Trần Anh sẽ là thương vụ hoán đổi cổ phiếu và thực hiện theo hai giai đoạn: MWG sẽ chi tiền mặt mua cổ phần kiểm soát tại TAG từ nhóm các cổ đông lớn; MWG sẽ phát hành 6,7 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu của TAG sau đó trở thành cổ đông kiểm soát của TAG. Trong khi các cổ đông lớn của TAG trước đó sẽ trở thành cổ đông của MWG.
Nhung toan tinh cua The gioi Di dong khi thau tom Tran Anh
 Số lượng và doanh thu chuỗi cửa hàng Thegioididong lần lượt từ tháng 1/2016-6/2017.
Người bán cổ phần TAG chính sẽ là ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch HĐQT công ty và các thành viên gia đình ông với 56% cổ phần đang sở hữu tại TAG. Hiện chưa rõ mức giá giao dịch giữa hai bên sẽ là bao nhiêu. Tại phiên giao dịch ngày 24/08, TAG giảm 3.400 đồng so với phiên hôm qua, đóng cửa phiên ở mức giá 34.600 đồng/cp.

Đáng chú ý, một số thành viên ban lãnh đạo của TAG đã đăng ký bán cổ phiếu TAG trên HNX, gồm giám đốc tài chính, kế toán trưởng, thành viên HĐQT và trưởng ban kiểm soát. Tổng số cổ phiếu đăng ký bán là 333.153 cổ phiếu, tương đương 1,34% tổng sổ cổ phiếu đang lưu hành.
Vốn hóa thị trường của TAG là 820 tỷ đồng, sau khi M&A thành công, MWG sẽ điều hành các cửa hàng hiện tại của TAG và giữ nguyên thương hiệu Trần Anh trong vòng 12-18 tháng. Khả năng chuỗi cửa hàng này được chuyển sang thương hiệu MWG là rất lớn và chỉ là vấn đề thời gian. TAG hiện có 39 cửa hàng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Cổ đông lớn nhất của TAG là Chủ tịch HĐQT công ty (22,7% cổ phần) và gia đình ông (33,2%), cổ đông Nojima từ Nhật Bản (30,8%).

Mua lại TAG sẽ cho phép MWG tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực phía Bắc. Với gần 1.500 cửa hàng và dẫn đầu về thị phần đối với cả chuỗi Thegioididong (42%) và Điện máy (22%), hệ thống cửa hàng của MWG có mặt ở tất cả các tỉnh thành của Việt Nam. Tuy nhiên, MWG lại không mạnh ở thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.
Theo ước tính của CTCK thành phố Hồ Chí Minh (HSC), thị phần của MWG ở Hà Nội là khoảng 30% đối với chuỗi Thegioididong và 15% đối với chuỗi Điện máy, đặt công ty ngang bằng với các chuỗi bán lẻ khác như FPT shop ở thị trường di động hay TAG và Media Mart về điện máy. Do đó, những lợi ích mang lại cho MWG từ thương vụ này gồm:
Nhung toan tinh cua The gioi Di dong khi thau tom Tran Anh-Hinh-2
Số lượng và doanh thu mảng điện máy của TGDĐ lần lượt từ tháng 1/2016-6/2017. 
Mua lại TAG cho phép MWG tăng gấp đôi thị phần bán lẻ điện máy tại thị trường Hà Nội lên khoảng 30%. TAG am hiểu thị trường Hà Nội và những hiểu biết này sẽ giúp ích cho MWG. Tuy nhiên, lợi nhuận của TAG thấp với tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2016 là 11,78% trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp mảng điện máy của MWG là 15,6%.

Kết hợp chiến lược lợi nhuận, mạng lưới các nhà cung cấp của MWG với nguồn khách hàng của TAG sẽ đem lại nhiều lợi ích của cả hai công ty.

Sau khi thành công với thương vụ trên, trong năm 2018, chuỗi Điện máy Xanh sẽ được MWG mở rộng ra các tỉnh miền Bắc và giành thêm thị phần. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của MWG từng nhắc đến  khả năng mua chuỗi bán lẻ dược phẩm trong tổng số tiền 2.500 tỷ đồng đã được dành ra cho hoạt động M&A. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức và cụ thể nào về vấn đề này được công bố.

 
Theo Ngân Giang/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)