Trong thông báo hôm 15-12, Cơ quan Thuế vụ Italia cho biết, họ điều tra Amazon xung quanh cáo buộc trốn thuế trong giai đoạn 2011-2015. 8 tháng trước (tháng 4-2017), giới truyền thông dẫn thông tin từ các nhà điều tra cho biết, Amazon đã thiết lập một cơ chế, trong đó khai các khoản lợi nhuận thu được tại Italia ở Luxembourg, nơi có mức thuế công ty thấp hơn nhiều.
Do đó, giới chức Italia đã quyết định theo đuổi các biện pháp phòng ngừa đối với Amazon để đảm bảo họ phải trả đủ thuế theo doanh thu tại nước này. Và quyết định chi 100 triệu euro đồng nghĩa với việc Cơ quan Thuế vụ Italia đóng hồ sơ vụ trốn thuế của Amazon.
|
Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon. |
Hơn 2 tháng trước (4-10), Cao ủy về vấn đề cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager khẳng định, Luxembourg đã thiên vị Amazon khi ưu đãi về thuế một cách bất hợp pháp cho hãng này - gần 3/4 lợi nhuận của Amazon không bị đánh thuế. Do đó, EU đã yêu cầu Luxembourg phải truy thu 250 triệu euro (gần 300 triệu USD) tiền thuế từ Amazon và việc này liên quan đến một vụ vi phạm quy định thuế từ năm 2003.
Nhưng theo luật thuế của Luxembourg, Amazon là công ty không có nhân viên, văn phòng hay hoạt động kinh doanh nên không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, và việc này đã mang lại lợi thế kinh doanh cho Amazon. Đại diện Amazon cũng tuyên bố, họ không nhận được bất cứ ưu đãi nào từ Luxembourg và đã nộp đủ các khoản thuế theo đúng quy định về thuế của nước này, cũng như luật thuế quốc tế.
Đồng thời tuyên bố, họ đang xem xét chống lại quyết định của EU. Được biết, Amazon hiện là doanh nghiệp cung cấp nhiều việc làm nhất tại Luxembourg, góp phần giải quyết 1.500 việc làm ở nước này. Đây không phải lần đầu tiên EU yêu cầu các quốc gia thành viên truy thu thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động tại những nước này. Được biết, Amazon thu được 2,4 tỷ USD lợi nhuận trên tổng thu nhập 136 tỷ USD của năm 2016.
Trước đó, Amazon từng thắng trong vụ kiện trị giá 1,5 tỉ USD trước Sở Thuế vụ Mỹ liên quan đến hoạt động của họ tại Luxembourg. Theo cáo buộc của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, Amazon đã đánh lừa người tiêu dùng về chính sách giảm giá của mình.
Và việc này đến từ kiến nghị của Hiệp hội người tiêu dùng, khi họ phát hiện khoảng 1.000 sản phẩm trên website của Amazon đã để giá bán tham khảo cao hơn chính giá hãng này đưa ra 90 ngày trước đó và điều đó khiến giá Amazon đưa ra có vẻ rẻ hơn, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo ông Rob Sanderson, chuyên gia phân tích của MKM Partners, Amazon đang thâu tóm thế giới bán lẻ - sự chênh lệch ngày càng lớn trong một năm qua giữa Amazon với các cửa hàng bán lẻ truyền thống đặc biệt ấn tượng.
Theo giới truyền thông, Amazon từng muốn phát triển các sản phẩm cạnh tranh với Microsoft trong lĩnh vực công nghệ đám mây và kế hoạch này bị tiết lộ sau khi họ nộp đơn kiện ông Gene Farrell, cựu Phó chủ tịch của một đơn vị điện toán đám mây, được gọi là dịch vụ mạng Amazon (AWS), vì vi phạm điều khoản không cạnh tranh sau khi ông này làm việc tại một doanh nghiệp mới khởi nghiệp Smartsheet.
Amazon cáo buộc ông Gene Farrell đã phục vụ công ty đối thủ sau khi tiếp cận với nhiều thông tin độc quyền và bí mật của dịch vụ đám mây khi còn làm việc tại hãng này. Nhưng theo CEO Smartsheet Mark Mader, vụ kiện này ngoài tầm tay của Amazon.
Theo PitchBook, Smartsheet là khách hàng của AWS với dịch vụ trình bày bảng tính và đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của startup này là Microsoft Excel, Microsoft Project, Microsoft Planner, và các công cụ quản lý dự án trực tuyến như Trello, Asana và Jira.
Đây không phải lần đầu Amazon phát triển các dịch vụ được sử dụng để cạnh tranh với các đối thủ là khách hàng của họ. Bởi trước đó, Amazon từng cạnh tranh với Logicworks, công ty sản xuất phần mềm quản lý điện toán đám mây, và cũng là khách hàng của nhà khổng lồ thương mại điện tử.
"Không nên hợp tác với Amazon nếu bạn nghĩ họ không có hội giành lấy việc kinh doanh của bạn. Thực tế là Amazon sẽ cạnh tranh với bạn, bất kể việc kinh doanh của bạn là gì", CEO của Logicwork Kenneth Ziegler từng cảnh báo.
Theo giới truyền thông, có 6 thương vụ mua lại lớn nhất của Amazon. Đó là cửa hàng bán lẻ trực tuyến Zappos (1,2 tỷ USD năm 2009); công ty Quidsi, chủ sở hữu các trang bán hàng trực tuyến Diapers.com, Soap.com và BeautyBar.com (545 triệu USD năm 2010); Kiva System với giá 775 triệu USD vào năm 2012; Twitch năm 2014 với giá 970 triệu USD; Souq, hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Đông với giá 650 triệu USD hồi đầu năm 2017; Whole Foods Market với giá 13,7 tỷ USD, sẽ kết thúc thương vụ vào cuối năm 2017.