Những mã cổ phiếu “chết lâm sàng” không người giao dịch

Google News

Trái với hàng trăm mã cổ phiếu đang giao dịch sôi là hàng chục mã cổ phiếu bị bỏ không suốt thời gian dài, nhiều năm liền không được giao dịch.

Trong khi thị trường chứng khoán đang sôi động, VN-Index liên tục chinh phục những đỉnh mới, thì vẫn có những cổ phiếu trái chiều, chịu cảnh bị lãng quên, thậm chí “chết” về thanh khoản.
Cổ phiếu hai công ty bất động sản nghìn tỷ không người giao dịch
 Đông Phương chính là công ty chủ đầu tư trực tiếp của khách sạn Sheraton Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Tuấn.
Công ty bất động sản nghìn tỷ rơi vào tình trạng không thanh khoản là CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (BDP), chủ đầu tư khách sạn 55,6 triệu USD Sheraton Đà Nẵng.
Đông Phương niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên sàn UPCoM từ tháng 4 năm nay, nhưng sau hơn nửa năm, Sheraton Đà Nẵng đã hoàn thành và về tay chủ mới thì vẫn chưa có bất kỳ cổ phiếu nào của công ty được giao dịch.
Thị giá BDP vẫn ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản chỉ là con số 0.
Đông Phương vốn là công ty thành viên của VinaCapital, do Vietnam Property Limited (đơn vị thuộc VinaCapital) cùng 2 cổ đông khác thành lập, trong đó quỹ này nắm giữ 97,73% vốn.
Tháng 8/2017 vừa qua, Vietnam Property Limited đã bán lại toàn bộ cổ phần lại cho CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An (thuộc tập đoàn BRG).
 
Hàng chục cổ phiếu “chết”
Tháng 2/2017, 4,4 triệu cổ phiếu CPH của CTCP Mai táng Hải Phòng niêm yết trên UPCoM với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trở thành công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ tang lễ, mai táng, quản lý nghĩa trang...
CPH sau khi lên sàn đã rơi vào tình trạng "chết” thanh khoản.
Cụ thể, sau 10 tháng giao dịch chưa có bất kỳ cổ phiếu CPH được trao đổi mua, bán, thị giá giữ nguyên ở mức 8.300 đồng/cổ phiếu (do điều chỉnh giá ngày 22/5).
Đáng chú ý, tình trạng này diễn ra trong khi công ty đang hoạt động rất hiệu quả, mỗi năm thu về gần 100 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ mai táng của mình và lãi ròng xấp xỉ 10 tỷ đồng.
Tương tự, vốn điều lệ hơn 172 tỷ đồng, cổ phiếu NQB của CTCP Cấp nước Quảng Bình cũng đã lên UPCoM từ tháng 7/2015. Đến nay, NQB chưa từng được khớp lệnh giao dịch thành công lần nào, dù công ty vẫn có kết quả kinh doanh có lãi đều đặn.
Cũng rơi vào tình trạng này là CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Thanh Hà (HFX). HFX niêm yết trên UPCoM từ tháng 11/2011, đến nay, sau hơn 6 năm, chỉ một vài phiên cổ phiếu HFX được giao dịch với khối lượng rất nhỏ.
 
Lần gần nhất xuất hiện giao dịch là từ tháng 8/2015 khi có 7.000 cổ phiếu HFX được giao dịch với giá 1.400 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay HFX rơi vào tình trạng không có thanh khoản.
Hiện tại, công ty cũng đang bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, do vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính năm 2015.
Tính đến hết năm 2016, công ty có vốn điều lệ 12,7 tỷ đồng nhưng âm vốn tới 180 tỷ đồng. Nguyên nhân là khoản lỗ lũy kế lên tới 192 tỷ đồng, và liên tiếp những năm gần đây, HFX đều thua lỗ, khiến tài sản công ty dần teo tóp.
Làm sao để không là cổ phiếu "chết"
Số lượng các công ty “chết” thanh khoản thực tế còn lớn hơn. Thống kê sơ bộ trên UPCoM có ít nhất 15 mã cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 1 năm trở lại đây.
Cùng với đó là hàng chục cổ phiếu có giao dịch cực kỳ nhỏ giọt chỉ chưa tới 1.000 đơn vị/tháng như KGM; CMF; ANT; CHS; CQT… hầu hết đều niêm yết trên UPCoM.
Trao đổi với Zing.vn, TS. Bùi Quang Tín cho biết có nhiều giải pháp để cổ phiếu khi niêm yết không rơi vào tình trạng "chết" thanh khoản, như kết quả kinh doanh phải hiệu quả, báo cáo tài chính phải minh bạch, thậm chí thông tin, tin đồn phải được kiểm soát cho tốt.
Chuyên gia thông tin thêm về giao dịch, khi các nhà đầu tư chính mua, bán cần phải thông tin công khai trên sàn và có báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Tín cho rằng bộ phận truyền thông của các doanh nghiệp, bộ phận quản lý, quan hệ với nhà đầu tư, cổ đông cơ quan quản lý Nhà nước cần hoạt động hiệu quả thì cổ phiếu mới có thể hoạt động trôi chảy.
"Nếu cứ niêm yết lên rồi để đó, bỏ trống thì rất khó có giao dịch tốt trên thị trường có hàng trăm cổ phiếu tốt như hiện nay", ông Tín cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nay chưa có trường hợp nào cổ phiếu có thanh khoản kém mà cơ quan quản lý Nhà nước phải siết lại giao dịch, hủy niêm yết trừ khi báo cáo gian dối, giao dịch mang tính gian lận hay thông tin không minh bạch thì mới hủy giao dịch hoặc vi phạm các quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thanh khoản ít hay kém không thuộc trường hợp phải hủy giao dịch.
Theo Quang Thắng/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)