Năng suất bình quân đạt 185 tạ/ha, sản lượng đạt 100.000 tấn, giá trị sản xuất từ vùng trồng bưởi mang lại khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Nhằm nâng cao giá trị kinh tế, TP Hà Nội đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước kết hợp với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để phát triển các cây, con giống đặc sản, chất lượng cao trên mỗi ha diện tích.
Trong những năm gần đây, một số huyện trên địa bàn thành phố đã phát triển vùng chuyên canh trồng các giống bưởi đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Người dân có thu nhập cao từ trồng bưởi
Sở hữu giống bưởi đỏ có tuổi đời gần 60 năm (từ những năm 1965) do cha ông để lại, gia đình ông Lương Văn Phương, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đang quản lý 2 cây bưởi 'tổ', được Sở NNPTNT TP Hà Nội cấp mã quản lý và đánh giá là cây bưởi đầu dòng.
Bên cạnh đó, gia đình ông Phương còn có hơn 2.000 cây bưởi đỏ ở năm thứ 5 và gần trăm gốc bưởi có tuổi đời 20 năm, hơn 30 gốc bưởi có tuổi đời trên 30 năm, tất cả đang cho thu hoạch vài nghìn quả mỗi năm.
Để bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ Đông Cao, cuối năm 2018, HTX bưởi đỏ Đông Cao được thành lập - ông Phương được bầu là Giám đốc HTX. Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 8 hội viên, đến hiện nay đã thu hút được 20 hội viên tham gia.
Theo ông Phương, với mẫu mã đẹp nên nhiều năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong dịp tết, cây bưởi đỏ đã trở thành cây đặc sản của người dân Đông Cao.
Hiện, thôn Đông Cao có khoảng 7,7 ha trồng cây ăn quả trong đó có 4 ha bưởi của HTX bưởi đỏ Đông Cao. Trung bình mỗi năm Đông Cao cho ra thị trường khoảng 8.000 quả bưởi với giá 90.000-100.000 đồng/quả.
"Từ giá trị của cây bưởi mang lại, xã Tráng Việt đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho cây bưởi đỏ, từ đó mang lại giá trị kinh tế cho người dân trồng bưởi", ông Phương chia sẻ.
Ông Phương cũng cho biết, HTX có hai sản phẩm chính gồm bưởi đỏ và bưởi diễn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Giai đoạn 2023 - 2024, HTX sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thông qua sản xuất hữu cơ.
Ngoài giá trị về mặt tâm linh thì bưởi đỏ Đông Cao còn được các đơn vị và các chuyên gia nông nghiệp đánh giá cao. Giai đoạn từ tháng 9 đến cuối tháng 11 dương lịch, bưởi đến độ ngon nhất. Từ tháng 12 trở đi, quả bưởi trổ mã đỏ và được bán phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán...
Cũng có thu nhập cao từ trồng bưởi Diễn theo hướng hữu cơ, sau 6 năm gắn bó với cây bưởi, HTX Nông nghiệp sạch Đức hậu – Lưu quang, thôn Trung Cao, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) đang sở hữu hơn 1.000 gốc, thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Lê Hữu Diện, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Đức hậu - Lưu quang, trước kia người dân chủ yếu trồng hoa màu và cây lê gỗ, năng suất ổn định nhưng giá bán không cao, thu nhập gần như chỉ đủ ăn chứ không dư giả. Do đó, năm 2004, ông đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 140 cây bưởi Diễn và thật bất ngờ thu được thành công ngay lần đầu tiên.
Đến nay, HTX Nông nghiệp sạch Đức hậu – Lưu quang có khoảng 7 ha trồng bưởi Diễn với hơn 1.000 gốc. Trung bình mỗi gốc cho từ 60-100 quả/năm, với giá bán từ 30.000-40.000 đồng/quả, mỗi năm HTX thu về hơn 1 tỷ đồng. Riêng gia đình ông Diện sở hữu khoảng 500 gốc bưởi, cho thu nhập khoảng 400-700 triệu đồng/năm.
Không chỉ mang lại thu nhập cao, nhờ trung thành với phương pháp tác hữu cơ suốt nhiều năm, hiện nay, bưởi diễn của HTX Nông nghiệp sạch Đức hậu - Lưu quang đã có mặt trên hầu khắp chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản sạch trên địa bàn TP Hà Nội và tại các tỉnh, thành như: Lào Cai, Thái Nguyên, Gia Lai…, đặc biệt, đã được xuất khẩu sang Nga.
Giá trị từ trồng bưởi đạt 2.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, toàn TP hiện có 7.500 ha bưởi, chú yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Ba Vì, Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ứng Hòa...
Theo đó, các hộ dân, HTX tập trung canh tác 12 giống bưởi các loại, trong đó chủ lực nhất là bưởi Diễn, Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi Thồ, bưởi chua đầu tôm... Với năng suất bình quân đạt 185 tạ/ha, sản lượng đạt 100.000 tấn, giá trị sản xuất từ vùng trồng bưởi mang lại khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
TP Hà Nội cũng đã xây dựng và phát triển 1 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và 14 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi, là: Đặc sản bưởi Diễn, bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi Thồ Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm, bưởi Tam Vân, bưởi Quế Dương, bưởi đỏ Đông Cao, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi Trung Màu, bưởi Phú Thị, bưởi Đa Tốn, bưởi Nam Phương Tiến....
Mới đây, Sở NNPTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tổ chức sơ khảo Hội thi tìm hiểu khoa học, kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội lần thứ 2 năm 2023.
Theo đó, Hội thi bưởi có nhiều vòng, chấm vườn xong tổ chức sơ khảo vào giữa tháng 12 với các màn thi màn chào hỏi, kiến thức, giới thiệu nhãn hiệu. Sau đó, tại vòng chung khảo, ngoài công bố kết quả còn có lễ hội nông sản để kích cầu tất cả nhãn hiệu nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh thành.
Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết hội thi bưởi lần thứ nhất của thành phố tổ chức năm 2018, giờ là lần thứ hai.
“Hội thi bưởi là nơi để cho nông dân trồng bưởi gặp gỡ, tọa đàm với nhau, cũng như được các nhà khoa học tập huấn để hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Bên cạnh đó là quảng bá sản phẩm. Khi chấm một vườn bưởi ngon, chúng tôi sẽ đưa các đoàn doanh nghiệp và người tiêu dùng đến để kết nối, tiêu thụ ngay tại chỗ. Mấy năm nay bưởi có xu hướng bị giảm giá, qua hội thi bưởi, không những thành phố giúp nâng cao về mặt kỹ thuật cho bà con mà vườn nào ngon sẽ giúp bán được giá hơn", bà Hòa chia sẻ.
Cũng theo bà Hòa, Hội thi cũng là dịp tổ chức các đoàn nông dân đến thăm những hộ làm vườn giỏi, học cách sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, cách làm thương hiệu, sản xuất theo chuỗi giá trị và bán hàng online. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức 6 cửa hàng để quảng bá các sản phẩm bưởi của Thủ đô.
Theo GS.TS Vũ Mạnh Hải- chuyên gia về cây ăn quả, Hà Nội rất có tiềm năng trong phát triển nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng. Một trong những cây ăn quả đặc sắc nhất của Hà Nội chính là bưởi. “Việt Nam có rất nhiều giống bưởi nổi tiếng như bưởi năm roi (Vĩnh Long), bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi Tân Triều (Đồng Nai), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)…, còn Hà Nội có bưởi Diễn. Hà Nội, cụ thể là vùng sông Đáy được coi là một trong những cái gốc phát tích ra các giống bưởi rất đa dạng. Thực tế trong những năm gần đây, giá bưởi bị giảm nhưng có nhiều vườn ở Hà Nội vẫn bán được giá tốt, thậm chí thương lái đặt hàng hết ngay từ chưa thu hoạch bởi chất lượng tốt.