Thu hái lá cây giang rừng từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập giúp người dân huyện Vị Xuyên xóa đói giảm nghèo.
Nhưng thu hái nhiều cây lá giang cũng bị cạn kiệt, môi trường rừng bị xâm hại…Từ thực tế đó, người dân đã tìm tòi sản xuất ra cây lá giang giống đem về trồng thành công tại vườn, đồi nhà và nhân rộng cây trồng này.
Theo bà con cho biết lá giang trên rừng thu hoạch mãi cũng cạn kiệt, cây giang cũng dần chết đi. Do đó, người dân lên rừng đào cây con về trồng tại các vườn, đồi của gia đình tiện cho việc thu hái. Cây giang rất dễ trồng, mất ít công chăm sóc và đầu tư không nhiều mà lợi nhuận lại cao.
Chỉ sau khoảng 1 đến 2 năm trồng, chăm sóc cây giang phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu đã cho thu hoạch lá, giá bán trung bình hiện tại là 15.000- 17.000 đồng/kg lá. Mức thu nhập này khá cao so với các cây trồng nông nghiệp khác.
Cô Đặng Thị Liên, thôn Bản Tàn, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) chia sẻ: Mấy năm gần đây cây cam chết dần nên gia đình tôi đã phá toàn bộ diện tích cam sang trồng 1,7 ha cây giang. Đến nay, sau hơn 1 năm trồng lá giang đã cho thu hoạch, giá bán 17.000 đồng/kg.
|
Người dân xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang trồng cây giang (một loại cây họ tre) tại vườn, đồi của gia đình.
|
Ông Nguyễn Văn Chỏi, thôn Hát xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cho biết: Thấy được hiệu quả kinh tế nên gia đình tôi lên rừng tự lấy hạt về ươm trồng tại vườn gia đình. Đối với cây giang không phải chăm sóc nhiều, một năm thu hái lá 6 lần và được thương lái vào tận vườn để thu mua.
|
Cây giang mang lại thu nhập cao hơn so với cây trồng nông nghiệp khác ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Người dân trồng cây giang để hái lá bán, lá giang được sử dụng nhiều trong bao, gói, bảo quản thực phẩm.
|
Thực hiện theo Nghị Quyết 05 về cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đã chuyển đổi đất vườn, đồi nhà sang trồng cây lá giang để tiện cho việc lấy lá.
Cây giang có một điểm đặc biệt là càng hái các lá to già đi thì càng phát triển và ra thêm nhiều lá mới, không ảnh hưởng đến điều kiện phát triển của cây.
Lá giang to thu hái để bán, lá nhỏ bà con làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện nay, ngày càng xuất hiện thêm nhiều cơ sở thu mua, chế biến lá giang kéo theo hoạt động đó là một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn đã được giải quyết việc làm lúc nông nhàn, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân. Đầu ra của lá Giang rất thuận tiện các thương lái đến tận nơi thu mua.
Ông Hoàng Văn Xuyên, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên cho biết thêm: Cây giang không chỉ giúp người dân vươn lên làm giàu. Việc phát triển cây giang còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, đảm bảo khí hậu ôn hòa cho người dân, giảm lũ lụt, hạn hán, bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất đất.
Thực tế cho thấy, việc trồng cây lá giang đã mang lại lợi ích về kinh tế, giải quyết nguồn lao động dôi dư góp phần thực hiện thành công Nghị Quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn đồi tạp. Tuy nhiên, để phát triển và đảm bảo tính bền vững, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan cần phối hợp để cây giang thật sự là hướng thoát nghèo bền vững cho người dân Vị Xuyên.