Cứ hai tiếng mỗi ngày sau giờ tan sở, Edward Chan, 39 tuổi, đến ga tàu điện ngầm Prince Edward ở Kowlon để trò chuyện với thanh thiếu niên tụ tập ở khu vực này. Giống hàng chục nghìn người Hong Kong khác, anh vô cùng bức xúc với tình hình hiện tại của thành phố và chủ động tham gia các cuộc biểu tình.
Hiện anh đang sống cùng vợ và con gái 13 tuổi trong một căn hộ 32 m2. Cuộc sống của gia đình Chan rất chật vật. "Hong Kong đã mục ruỗng hoàn toàn và có quá nhiều vấn đề đè nặng lên cuộc sống người dân, cho dù thành phố có hình ảnh quốc tế rất sáng sủa", South China Morning Post dẫn lời Chan.
Từ việc phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, các cuộc biểu tình dữ dội ở Hong Kong trở thành kênh để người dân trút cơn giận dữ vào tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng tại thành phố này, mà biểu hiện rõ nhất chính là giá nhà đất.
|
Biểu tình diễn ra dai dẳng tại Hong Kong. Ảnh: CNN. |
Thuế thấp đẩy giá bất động sản leo thang
"Giá nhà cắt cổ là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của Hong Kong", anh Chan nhấn mạnh. "Và người trẻ của thành phố hoàn toàn không có cơ hội vươn lên trong xã hội".
Hong Kong là một trong những nền kinh tế có mức thuế thấp nhất thế giới. Chính quyền thành phố không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế nhập khẩu. Thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp được duy trì ở mức thấp.
Do đó, chính quyền Hong Kong buộc phải tìm nguồn thu từ các kênh khác để có vốn đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế và dịch vụ công. Trong nhiều thập kỷ, nguồn thu lớn nhất của chính quyền Hong Kong là việc bán đất đai cho các công ty bất động sản để xây nhà cửa, công xưởng, trung tâm mua sắm...
Trong năm tài chính 2019 (bắt đầu từ ngày 1/4), nguồn thu từ bất động sản chiếm 33% (khoảng 25,2 tỷ USD) trong tổng ngân sách chính quyền Hong Kong.
"Không có nguồn thu từ thị trường bất động sản, chính phủ Hong Kong không có ngân sách. Nếu không có nguồn thu mới, giá nhà đất Hong Kong sẽ vẫn tiếp tục cao. Chúng ta không thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này", SCMP dẫn lời ông Moses Cheng Mo-chi, Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Hong Kong, than thở.
|
Hàng loạt tỷ phú Hong Kong kiếm bộn tiền từ bất động sản. Ảnh: SCMP. |
Quy trình bán đấu giá đất công (công ty trả cao nhất sẽ trúng thầu) đẩy thị trường địa ốc Hong Kong - đi kèm với đó là tài sản và quyền lực - vào tay một số ít tập đoàn bất động sản khổng lồ. Khoảng 45% số căn hộ được bán ra tại Hong Kong do 5 công ty xây dựng.
Đó là CK Assets của gia tộc Li, SHKP của nhà Kwoks, Henderson Land thuộc nhà Lee, New World Development của gia tộc Cheng và Sino Land của nhà Ng. Nhờ đó, các thành viên 5 gia tộc này trở nên giàu sụ. Theo Forbes, 18 trong số 50 người giàu nhất Hong Kong là doanh nhân bất động sản.
Sau New York (Mỹ), Hong Kong là thành phố sở hữu nhiều tỷ phú USD nhất thế giới. Nhưng tài sản ở thành phố này chỉ tập trung vào một số ít đại gia, trong khi đa phần dân chúng sống chật vật.
Kẻ thắng giành được tất cả
"ỞHong Kong, kẻ thắng giành được tất cả. Một số ít công ty kiểm soát thành phố, lũng đoạt hàng loạt lĩnh vực từ các siêu thị, nhà thuốc, cửa hàng trang sức cho đến hệ thống viễn thông và hạ tầng", chuyên gia Ronald Chan thuộc hãng Chartwell Capital khẳng định.
Ước tính 93 tỷ phú giàu nhất Hong Kong sở hữu tổng cộng 315 tỷ USD, tương đương 86,6% tổng GDP thành phố. Trong khi đó, cứ 5 người Hong Kong thì có một sống dưới mức nghèo khổ (thu nhập trung bình 510 USD/tháng).
Tổ chức Our Hong Kong Foundation cho biết trung bình một người Hong Kong sống trong diện tích nhà chỉ khoảng 15,7 m2, bằng một nửa so với cư dân Thâm Quyến hoặc Singapore. Những hộ gia đình nghèo nhất Hong Kong phải chen chúc trong diện tích chỉ chưa đầy 5 m2.
|
Trong một "căn hộ quan tài" ở Hong Kong. Ảnh: Shutterstock. |
Trung bình một hộ gia đình ở Hong Kong phải làm việc trong 20,9 năm mà không chi tiêu dù chỉ một đồng vào thực phẩm, giáo dục hay du lịch thì mới có đủ tiền mua một căn hộ trong thành phố.
Khảo sát của Gallup International hồi năm 2018 cho thấy Hong Kong là một trong những thành phố bi quan nhất thế giới. Theo một khảo sát khác của Hong Kong Playground Association, cứ 3 thanh niên Hong Kong thì có một bị trầm cảm tùy mức độ.
Al Jazeera dẫn lời chuyên gia Andrew Sheng thuộc Viện Toàn cầu châu Á nhận định một vấn đề là các tập đoàn bất động sản lớn có quan hệ rất thân cận với chính quyền Hong Kong. Nhóm đại gia này dùng quyền lực và ảnh hưởng để ngăn chặn mọi biện pháp giảm giá nhà đất.
"Từ một xã hội nơi mọi người đều có cơ hội vươn lên, Hong Kong trở thành nơi người giàu ngày càng giàu hơn, tầng lớp trung lưu vật vã với giá nhà đất và chi phí giáo dục leo thang, trong khi người nghèo bị bỏ rơi lại phía sau", chuyên gia Simon Cartledge, tác giả cuốn A System Apart, nói với Al Jazeera.