Nguồn vốn hơn 100.000 tỉ xây sân bay Long Thành được lấy từ đâu?

Google News

Dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư lên đến cả trăm nghìn tỉ đồng. Để có được nguồn vốn khổng lồ này, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đưa ra ba phương án huy động vốn là vay ODA, giao ACV đầu tư hoặc hợp đồng BOT.

Nguon von hon 100.000 ti xay san bay Long Thanh duoc lay tu dau?
Dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn đầu có tổng mức đầu tư cả trăm nghìn tỉ đồng. Ảnh: ACV 
Ba phương án huy động vốn xây sân bay Long Thành
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1 mới nhất về Dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 112.000 tỉ đồng (tương gần 5 tỉ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng giám đốc ACV cho biết, ACV đã có báo cáo nghiên cứu khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đề xuất ba phương án đầu tư sân bay này.
Theo đó, phương 1 là nhà đầu tư khai thác sân bay sử dụng vốn vay ODA. Cách này giúp nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay rẻ hơn, nhưng hiện chỉ có thể tiếp cận được vốn ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua việc Chính phủ đi vay, rồi cho doanh nghiệp vay lại. Nhược điểm của phương án là sẽ làm tăng nợ công và phải sử dụng tư vấn, nhà thầu xây lắp của nước cho vay.
Phương án 2 là giao cho ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 95% cổ phần và đang quản lý 21 cảng hàng không trên cả nước, khi ACV đầu tư sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được tài sản chiến lược của quốc gia.
Phương án thứ ba là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng bằng vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT. Ưu điểm của phương án này là không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và Nhà nước có nguồn thu từ việc khai thác tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng BOT.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu được đánh giá là đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp có năng lực. Tuy nhiên, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư sẽ khiến dự án chậm khoảng 18 tháng, khó hoàn thành vào năm 2025.
ACV mong muốn được nhận thực hiện dự án
Ông Đỗ Tất Bình cho biết, ACV muốn được thực hiện xây sân bay Long Thành theo phương án hai là giao ACV đầu tư. Việc ACV làm chủ đầu tư sân bay Long Thành theo phương án 2 sẽ có nhiều ưu điểm và lợi thế trong quá trình thực hiện dự án.
Theo ông Bình, ACV có bộ máy quản lý khai thác sân bay chuyên nghiệp, cam kết thu xếp tài chính tốt nhất bằng vốn của doanh nghiệp. Hiện ACV đã tích lũy được một tỉ USD và tiếp tục tích lũy trong giai đoạn 2019-2025 với mức cân đối khoảng 1,5 tỉ USD để thực hiện dự án.
Như vậy, khi triển khai xây sân bay Long Thành, ACV chỉ vay một phần vốn hoặc phối hợp với đối tác khác để đầu tư các hạng mục. Phương án này không làm tăng nợ công, do không sử dụng vốn ODA và dự án có thể triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật để khởi công đầu năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.
"Nhược điểm của việc giao ACV đầu tư khai thác sân bay Long Thành là các quy định của Luật Đấu thầu buộc dự án này phải đưa ra đấu thầu quốc tế. Chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác cảng hàng không Long Thành mà không qua đấu thầu".
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm.
Theo Huân Cao/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)