Sân bay Long Thành: "Đội giá" vì muốn giống hoa sen?

Google News

Thiết kế Sân bay Long Thành theo hình hoa sen được nhiều người đồng thuận. Nhưng có ý kiến lo ngại ảnh hưởng đến công năng, giá trị thẩm mỹ, hiệu quả kinh tế.

Số đông chọn hoa sen
TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không (VAAST - một trong các hội được Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tham khảo ý kiến về Sân bay Long Thành) cho hay: Hội đã tổ chức hội thảo, lập hội đồng bỏ phiếu. Kết quả, hội lựa chọn mô hình sân bay Long Thành mang hình ảnh hoa sen (ký hiệu LT 03 của tư vấn Heerim Architects & Planners Co.Ltd - Hàn Quốc).
Theo đánh giá của Hội, “Phương án kiến trúc (LT 03) có ý tưởng thiết kế, đường nét, bố cục, màu sắc sử dụng cho các khu vực chức năng tương đối hài hòa. Kiến trúc nhà ga cơ bản thể hiện được hình ảnh một nhà ga hàng không có quy mô lớn và đặc biệt thể hiện tính dân tộc cao”. Trong đó, hình ảnh bông hoa sen cách điệu được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế (thiết kế mái, phối cảnh góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan bên trên mái nhà, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục).
“Cả 4 nơi triển lãm thiết kế này, người dân đã nhận xét khách quan; Các hội nghề nghiệp cũng đã có đánh giá kỹ lưỡng. Chính phủ, Bộ GTVT và các hội đồng tư vấn cũng đã có nhận xét. Như vậy là có thể kết luận chọn phương án LT 03”, ông Châu nói.
Báo cáo của Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh, Bộ GTVT đã lập tổ tư vấn gồm 26 chuyên gia đến từ các bộ, ngành và hội nghề nghiệp. Tổ tư vấn đã tiến hành bỏ phiếu và phương án LT-03 đạt 13 phiếu chọn (tỉ lệ 59,09%), vượt qua 2 phương án còn lại (hình lá cọ và phương án sử dụng vật liệu tre). Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV cho hay, kết quả lấy ý kiến cho thấy phần lớn người dân chọn 3 thiết kế nhà ga cách điệu, trong đó có hình nhà ga cách điệu hình hoa sen.
San bay Long Thanh: "Doi gia" vi muon giong hoa sen?
 Mô hình Sân bay Long Thành hình hoa sen
Lo đội giá…
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về sự phức tạp trong kiến trúc sẽ đẩy giá thành xây dựng lên cao, đồng thời ảnh hưởng đến công năng sử dụng. Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng phần mái nhà ga có hình hoa sen chỉ phục vụ cho phi công và một số ít hành khách trong một thời gian ngắn. “Các nước phát triển ở cả châu Âu và châu Á thiết kế bên ngoài rất đơn giản. Nếu quá chú trọng vào hình thức bên ngoài sẽ phát sinh chi phí không cần thiết”, ông Trung nói.
Một chuyên gia hàng không khác nhấn mạnh, trong điều kiện đất đai ngày càng chật hẹp, các sân bay lớn, mới được xây dựng trên thế giới hầu hết được xây dựng theo các hình khối vuông vắn, thực dụng. “Nếu xây dựng với đặc thù cong, vòm sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng, tăng độ phức tạp trong lắp đặt thiết bị, dẫn đến tăng chi phí”- vị này nói.
Còn theo một đại diện của ACV cho hay, ngay cả thiết kế hình hoa sen cũng chưa hoàn thiện, cần phải chỉnh sửa theo chỉ đạo của Chính phủ nên chưa thể có con số về dự toán để có thể nói “đắt” hay “rẻ”. Mới đây, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa công bố con số khái toán toàn bộ dự án sân bay Long Thành cả hai giai đoạn ở mức 16 tỷ USD.
Nên là hoa sen cách điệu
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, người trực tiếp tham gia vào việc góp ý kiến trúc Sân bay Long Thành cho hay: Việc xây dựng nhà ga gắn với biểu tượng hoa sen đã được lựa chọn nên ông không bình luận theo hướng chấp nhận hay không.
Tuy nhiên, KTS Thông cho rằng, việc xây dựng theo hình hoa sen chắc chắn sẽ tăng kinh phí xây dựng so với kiến trúc thông thường. Vấn đề cần bàn là biểu tượng đó được thể hiện ra sao để không ảnh hưởng quá nhiều đến công dụng cũng như chi phí xây dựng.
Theo KTS Thông, phương án LT 03 được bình chọn hơn 50% số phiếu cho thấy đây chưa phải là phương án tối ưu. Về tính biểu tượng, hiện có hai xu hướng: thứ nhất “làm” thật giống hình ảnh thực hoặc chỉ gợi mở cho người xem hình dung.
“Thiết kế được chọn đang cố gắng đạt được hình ảnh hoa sen thực tế và hướng đi đó chưa hẳn là thông minh. Chỉ nên sử dụng hình ảnh cách điệu, không cần quá trực quan; việc gợi nên tinh thần của biểu tượng sẽ bền vững hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị chỉnh sửa theo hướng như thế”- KTS Nguyễn Quốc Thông nói.
Theo phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư, việc quá tập trung vào bề ngoài, góc nhìn từ máy bay hay vũ trụ không phải là cách duy nhất hiệu quả để thể hiện bản sắc văn hóa. “Bản sắc văn hóa có thể tạo ra cụ thể, trực diện trong các nội thất thống nhất. Nhiều khi, những chi tiết đắt trong nội thất, hay một vườn cây với những cây xanh đặc trưng của Việt Nam và miền Nam nơi đặt sân bay... cũng sẽ tạo ấn tượng đặc biệt, lôi cuốn hành khách”- KTS Thông nêu.
KTS Thông lưu ý, phương án LT 03 hiện được thiết kế theo hướng bao bọc hoàn toàn để sử dụng điều hòa nhiệt độ với sảnh chính, mái vòm quá lớn sẽ gây lãng phí năng lượng khi sử dụng. “Cần tận dụng các yếu tố tự nhiên, các biện pháp tái sử dụng nước ngay tại khu vực sân bay. Những biện pháp đó dù đắt nhưng có giá trị về lâu dài” - KTS Thông đề nghị.
Hiện, nhiều chuyên gia khác bày tỏ sẵn sàng đóng góp cho sự hoàn thiện của bản thiết kế. TS Trần Quang Châu cho hay, với nhiều chuyên gia đầu ngành, tâm huyết, Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không sẵn sàng tham gia góp ý vào từng hạng mục chi tiết.

Phương án được lựa chọn hiện có nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh, với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng. Phương án kiến trúc lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, bao gồm thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục. Khu vực nhà để xe ngoài trời, trên mái sử dụng làm công viên cây xanh kết hợp với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm đều lấy ý tưởng bông sen.


Theo Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)