Hôm nay (15/9), 11 biển số đẹp đã được trả giá thành công trong phiên đấu giá đầu tiên sau nhiều tháng ngày chờ đợi. Tổng giá trị của 11 biển số được trả giá lên tới 82,325 tỷ đồng, trong đó biển số đắt nhất là 51K-888.88 được trả 32,34 tỷ đồng, và biển số rẻ nhất là 15K-18888 có giá 650 triệu đồng.
Đặc biệt, đã có trường hợp 2/3 biển số đắt giá nhất trong ngày đấu giá đầu tiên thuộc về một cá nhân sống ở Thanh Hoá.
Cụ thể, trong khung đấu giá 14h45-15h45 đã tiến hành đấu biển số 51K-888.88 và khung giờ 16h-17h đấu giá biển số 30K-567.89, anh Hà Xuân Hải (Thanh Hoá) đã vượt qua 173 cá nhân tham gia đấu giá để chiến thắng với số tiền trả cao nhất. Biển "ngũ quý 8" 51K-888.88 được anh trả ở mức 32,34 tỷ đồng và biển số "sảnh rồng" 30K-567.89 có giá 13,075 tỷ đồng.
Biển số TP.HCM "ngũ quý 8" đã được anh Hải trả giá cao nhất
tiếp đến trong khung giờ đấu giá tiếp theo, anh Hải cũng đã là người trả giá cao nhất cho biển "sảnh rồng" đăng ký ở Hà Nội.
Vậy những người như anh Hải đã trúng đấu giá sẽ có quyền và nghĩa vụ liên quan như thế nào? Dưới đây là những quy định cụ thể nằm trong Nghị định 39/2023/NĐ-CP về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
1. Người trúng đấu giá có 15 ngày để nộp tiền
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe.
2. Biển số phải được sử dụng trong vòng 12 tháng
Người trúng đấu giá biển số và đã nộp số tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình.
Trước khi hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, người trúng đấu giá chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá mà phát sinh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải gửi đề nghị gia hạn bằng văn bản điện tử qua Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Bộ Công an. Thời hạn gửi là trong 15 ngày kể từ ngày phát xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
3. Được phép chuyển nhượng lại cho người khác
Người sở hữu biển số xe trúng đấu giá được phép chuyển nhượng cho người khác, nhưng không được chuyển riêng biển số mà phải đi kèm chiếc xe đã đăng ký biển số đấu giá.
Nói cách khác, nếu muốn chuyển nhượng biển số, người mua sẽ phải mua luôn chiếc xe đang gắn biển đó. Nhưng người mua sẽ không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe và biển số cho tổ chức, cá nhân khác, mà chỉ được chuyển quyền sổ hữu xe, đồng thời phải làm thủ tục thu hồi biển số.
4. Không nộp đủ tiền, biển số trúng sẽ bị thu hồi để đấu giá lại
Trong trường hợp quá 15 ngày mà người trúng đấu giá không hoặc chưa nộp tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an, thì thông báo kết quả trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sẽ bị huỷ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 39/2023/NĐ-CP. Bên cạnh đó, biển số xe ô tô đã trúng đấu giá sẽ được đưa ra đấu giá lại.
5. Mất cọc khi không hoàn tất thủ tục
Số tiền đặt trước (đặt cọc 40 triệu đồng/1 biển số) mà người trúng đấu giá đã nộp sẽ không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không hoàn tất thủ tục tài chính như đã nêu ở trên.