Làng của những nữ thương nhân
Xã Ninh Hiệp có lịch sử hàng nghìn năm, được người ta ví von như một kinh đô mua sắm sầm uất nhất cả nước với chợ vải, chợ thuốc bắc lớn nhất cả nước. Khỏi phải nói, người dân ở đây kiếm tiền rất dễ, số hộ là tỷ phú đếm không xuể. Đến Ninh Hiệp bất cứ lúc nào cũng thấy không khí bận rộn, tấp nập.
Nào là tiếng ôtô, tiếng người gọi nhau xuống hàng, chuyển hàng, tiếng máy may chạy êm ru trong các cửa hàng, ki-ốt. Đâu đâu cũng có vải, vải được người ta bán, chất đống khắp từ ngoài cổng tới chợ. Nhưng điều lạ là các sạp bán vải chỉ thấy phụ nữ, bóng dáng đàn ông gần như không có.
|
Vải là mặt hàng nhiều nhất tại đây. |
Chị Lê Thị Thanh (thôn 4) cười nói vui vẻ: “Các ông chồng ở nhà trông con, nấu cơm rồi. Thời gian rảnh họ đi chơi gặp bạn bè uống nước, hút thuốc, uống rượu chơi bài. Muốn gặp các ông thì chỉ có hai thời điểm là sáng sớm đưa hàng ra chợ giúp vợ và buổi chiều tối giúp vợ dọn hàng về”.
Trước đây, vào những năm 80 của thế kỷ trước, cả xã chỉ có nghề làm thuốc bắc và hái sen bán. Khi ấy cả phụ nữ và đàn ông đều ra đồng, cùng hái sen để kiếm tiền xây dựng gia đình. Lúc đó, cuộc sống ở đây không nhỉnh hơn những làng quê khác là bao.
Một vị cao niên trong làng cho hay: “Lúc đó làng tôi bình yên như bao làng quê khác. Ngày ngày vợ chồng vui vẻ ra đồng làm việc, trồng dâu nuôi tằm thêm, đến mùa sen thì đi hái sen bán. Đâu như bây giờ, cuộc sống bận rộn chóng hết mặt, có khi cả ngày, vài ngày vợ chồng mới nhìn thấy mặt nhau”.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi Nhà nước mở cửa tự do buôn bán, những phụ nữ ở Ninh Hiệp bắt đầu thể hiện được sự nhanh nhạy của mình. Họ sang Trung Quốc tìm nguồn hàng rồi chuyển vải về chợ để bán. Cứ như thế, chợ Ninh Hiệp trở thành chợ đầu mối cung cấp vải Trung Quốc cho cả nước.
Người nọ mách người kia, phụ nữ Ninh Hiệp chuyển dần sang kinh doanh, buôn bán, đàn ông tự rút lui về “hậu trường”, chỉ phục vụ kinh doanh, lo toan việc gia đình. Người đàn ông ở đây chẳng nề hà chuyện để vợ kiếm tiền, công việc đồng áng. Họ chú trọng đảm nhiệm vai trò xã hội trong gia đình, gia tộc, làng xóm hơn là vai trò phát triển kinh tế.
|
Xưa kia Ninh Hiệp thuộc tổng Nành đã có nhiều phụ nữ giỏi giang. |
Các vị cao niên trong làng cho hay, phụ nữ ở Ninh Hiệp giỏi là do được hưởng gen “di truyền” từ các cụ để lại. Xưa kia Ninh Hiệp thuộc tổng Nành nằm bên dòng sông Thiên Đức có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt lụa. Đây là quê hương của Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Hiển Tôn và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Vợ vua Quang Trung vốn nổi tiếng trong lịch sử tài sắc vẹn toàn.
Việc buôn bán giỏi giang vốn được coi là “thiên bẩm” của phụ nữ Ninh Hiệp. Các bé gái 13 tuổi đã được mẹ cho ra chợ phụ bán hàng, được học kinh doanh. Lớn lên chỉ mười tám đôi mươi đã đủ tài làm chủ một sạp vải lớn ở chợ trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sang (thôn 7) gật gù điếu thuốc nói: “Phụ nữ ở xã tôi thực sự rất đảm đang. Chợ búa, buôn bán, thậm chí quản lý tiền nong cũng rất chuẩn chỉ. Nhà nào cũng xây dựng biệt thự, xe hơi cả. Nhưng tiền thì đều do phụ nữ buôn bán mà ra.
Đàn ông ở xã tôi chỉ ở nhà, uống rượu, hút thuốc, chăm con… nói thật là cũng không có nhiều việc để làm. Thế thôi nhưng truyền thống từ trước tới nay, vẫn không có chuyện các bà vợ lên mặt gì đâu, rất tôn ti trật tự đấy. Nói gì thì nói người phụ nữ ở Ninh Hiệp không chỉ giỏi, đảm đang mà họ còn rất hiền mà mộc mạc”.
"Kiếm tiền cho chồng con, ít quan tâm đến bản thân"
Công việc trong một ngày của người phụ nữ ở chợ vải Ninh Hiệp thường bắt đầu từ sớm tinh mơ. Họ ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng, kết thúc lúc 7 giờ, nếu đông khách có thể đến 9 -10 giờ đêm mới nghỉ. Khi trở về nhà việc của họ chỉ là đưa tiền cho chồng rồi lăn ra ngủ, chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo. Thế người ta mới nói, phụ nữ ở Ninh Hiệp chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền cho chồng cho con, hầu như không quan tâm đến bản thân mình.