Sầu riêng được coi là loại trái cây tỷ đô khi trở thành sản phẩm xuất khẩu số 1 của ngành rau quả tại Việt Nam, mang về 2,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2023. Những ngày này, sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch, cảnh mua bán tấp nập diễn ra khắp các tỉnh thành chuyên canh sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai…
Trong đó, có một nghề “ăn theo” sầu riêng, cho thu nhập cả triệu đồng/ngày, nhiều người làm không hết việc đó là thợ gõ sầu riêng.
Thợ gõ sầu riêng có thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Hơn 5 giờ chiều, anh Trương Khánh Thành (Thành Đạt), trú tại Cai Lậy (Tiền Giang) vẫn cặm cụi bên đống sầu riêng hàng chục tấn. Một tay cầm quả sầu riêng lên, tay còn lại dùng chiếc dao nhỏ, gõ gõ vào phần nhô lên của quả sầu riêng, nhanh thoăn thoắt cho vào các sọt nhựa bên cạnh.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng anh Thành cho biết, tiền công anh nhận về khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/ngày. Bình thường, anh vẫn cùng anh em trong vùng đi gõ và cắt ở các vườn, thi thoảng sẽ gõ cho các vựa sầu riêng.
“Chúng tôi đi gõ sầu riêng quanh năm, hết miền Tây lại sang miền Đông, lên Tây Nguyên, thợ gõ sầu riêng làm không hết việc”, anh Thành nói.
Công cụ “hành nghề” gõ sầu riêng chỉ là chiếc dao Thái nhỏ xíu, cán nhựa, vừa để gõ vừa để cắt, nhưng theo anh Thành, để làm được nghề này, điều quan trọng nhất là phải có kinh nghiệm, kỹ năng và sự nhạy bén để đoán được độ già của quả qua âm thanh.
“Gõ sầu riêng nhận công theo ngày thì rủi ro thấp hơn, nếu mình có gõ trượt thì cũng không phải đền tiền như thợ gõ lấy tiền công theo kí. Tuy nhiên, mình gõ không chuẩn thì mất nghề, người ta không thuê mình nữa”, anh Thành phân tích.
Thợ gõ sầu riêng tính tiền theo ngày công có thu nhập thấp hơn thợ gõ sầu riêng tính tiền theo cân nhưng bớt rủi ro hơn.
Gần 5 năm anh Thành làm nghề gõ sầu riêng, tiền công được cả triệu đồng mỗi ngày nhưng theo anh Thành, ở các khu vực trồng nhiều sầu riêng, rất nhiều người đi làm nghề này mà vẫn không hết việc.
Một phần là bởi nghề này lương cao nhưng phải có sức khoẻ, mắt tinh, tai thính và có nhiều kỹ năng. Có những cây sầu riêng rất cao và lớn, phải trèo cả tiếng mới lên đến nơi, tay bám cành, tay còn lại vừa cầm dao vừa gõ và cắt từng quả sầu, thả xuống phía dưới cho thợ bắt.
“Leo cây cực khổ lắm. Có cây leo cả tiếng đồng hồ mới lên đến nơi, vừa cao vừa mệt. Chưa kể, người thợ gõ phải phân biệt được đâu là quả đến tuổi thu hoạch, quả nào còn non, quả nào bị cháy múi chứ không hề đơn giản”, anh Thành cho hay.
Ngoài gõ sầu riêng tại vườn, anh Thành còn nhận gõ sầu riêng tại vựa.
Hơn 7 năm làm thợ gõ sầu riêng tại Cai Lậy (Tiền Giang), anh Nguyễn Trọng Tấn cho biết, mỗi tháng, anh có thu nhập từ 50-60 triệu đồng nhờ nghề gõ sầu riêng.
“Có ngày được ít hơn, ngày được nhiều hơn nhưng trung bình là tầm 50-60 triệu đồng/tháng. Đội thợ của tôi có 14 người, ngày cao điểm cắt được 25-30 tấn sầu riêng, mỗi tấn là 2 triệu tiền công”, anh Tấn cho hay.
Theo anh Tấn, đội thợ của anh cắt gõ sầu riêng và cắt tính tiền công theo số cân nặng, mỗi cân là 2 nghìn đồng. Thu nhập trung bình mỗi người khoảng 2 triệu đồng một ngày.
Thu nhập cao nhưng theo anh Tấn không phải ai cũng làm được. Bởi vì, có rất nhiều giống sầu riêng, mỗi loại có thời gian thu hoạch khác nhau, thêm thời gian ra hoa, đậu quả, vào phân thuốc của từng nhà vườn, cùng với thời tiết, mưa nắng nhiều hay ít mà mỗi quả sầu riêng có độ già, non khác nhau.
Nếu thợ gõ không chuẩn có khi sẽ phải đền cả tháng lương vì sầu riêng non thương lái sẽ lỗ nặng, thợ gõ phải chịu một phần trách nhiệm, phải đền nếu tỷ lệ quả non vượt 2%, tức là 20kg trên một tấn.
Anh Tấn có thu nhập trung bình khoảng 60 triệu đồng/tháng từ nghề gõ sầu riêng.
Không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm, để xác định tuổi của quả sầu, thợ gõ sầu riêng còn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nắng nóng. Ngoài ra, luôn phải làm việc trên cây, nhiều cây cao chót vót, sơ sẩy là có thể gặp tai nạn bất kỳ lúc nào.
Để có kinh nghiệm gõ sầu, anh phải mất vài năm đầu đi theo các anh đi chụp sầu riêng và học hỏi kinh nghiệm. Sau khi biết kỹ thuật gõ, anh bắt đầu làm nghề gõ sầu riêng và thành lập đội chuyên đi gõ sầu khắp các vùng chuyên canh trồng sầu riêng.
“Mấy năm trước, sầu riêng chỉ có theo vụ nhưng bây giờ thì có quanh năm. Trừ những ngày thời tiết nắng mưa thất thường thì hầu như chúng tôi làm không hết việc”, anh Tấn chia sẻ.
Chị Hà, chủ vựa sầu riêng tại Sóc Trăng cho biết, ngoài thuê thợ gõ chọn và cắt sầu riêng tại vườn với số tiền 60 triệu đồng/tháng, chị còn phải thuê cả thợ gõ sầu riêng tại vựa với số tiền từ 25-30 triệu đồng/tháng.
Theo chị Hà, thợ gõ sầu riêng tại vườn sẽ được trả công từ 1-2 nghìn đồng/kg, họ sẽ lựa quả nào đến tuổi cắt được sẽ cắt. Tiếp đó, sầu riêng sau khi được mang về vựa, thợ gõ lại tiếp tục gõ để chọn ra loại nào là loại A, B, C với từng tiêu chuẩn khác nhau.
“Bên tôi lúc nào cũng có 7-8 thợ gõ sầu riêng, thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng, lương họ cao hơn cả mình nhưng không có họ thì mình cũng không làm được. Tôi cũng thử học cách gõ nhưng thật sự khó lắm, như là họ có năng khiếu sẵn rồi, mình có học cũng làm không lại”, chị Hà nói.