Bà chủ Tập đoàn Nam Cường giàu thế nào?
Thời gian qua, dư luận vẫn không ngừng xôn xao, bàn tán về các dự án lớn của Tập đoàn Nam Cường tại Hà Nội suốt một thời gian dài vẫn chỉ thấy chủ đầu tư này “ôm đất” ngủ quên. Đi cùng với đó là những câu hỏi được dư luận thắc mắc: Bà chủ Tập đoàn Nam Cường giàu thế nào... mà cứ “ôm đất” ngủ quên?; Tập đoàn Nam Cường liệu có thể “hồi sinh” các siêu dự án này để tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của mình trên thị trường bất động sản?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, Tiền thân của Tập đoàn Nam Cường là Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy, được thành lập năm 1985. Tổ hợp này là chủ đầu tư của các dự án lớn ở Hải Phòng và Hải Dương vào những năm đó.
Đến tháng 8/2009, Tổ hợp Tổ hợp Dịch vụ Vật tư Nông nghiệp và Vận tải Xuân Thủy chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường, cùng lúc triển khai nhiều dự án đường giao thông, khu nhà ở, đô thị tại Hà Nội như: Đường trục phía Bắc Hà Đông, đường trục kinh tế Bắc - Nam, đô thị mới Cổ Nhuế, Dương Nội, Thạch Phúc, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội)...
|
Bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường. (Ảnh: namcuong.com.vn). |
Năm 2010, sau khi doanh nhân Trần Văn Cường qua đời, vợ của ông là bà Lê Thị Thúy Ngà chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Kể từ đó, với tất cả tài sản, quyền hạn và trách nhiệm, bà Lê Thị Thúy Ngà đã cùng ái nữ Trần Thị Quỳnh Ngọc (con gái duy nhất của ông Cường và bà Ngà, hiện đang nắm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị) chống chèo và phát triển Tập đoàn Nam Cường cho đến ngày nay.
Mặc dù là người phụ nữ mạnh mẽ, đầy tài thao lược trong ngành bất động sản nhưng bà Ngà khá ít xuất hiện trước báo giới. Vì vậy, tên của bà Ngà cũng trở nên xa lạ hơn với công chúng. Tuy nhiên với thị trường bất động sản thì bà Ngà là một người phụ nữ có “máu mặt”.
Tháng 1/2014, tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam trong đó có bà Lê Thị Thúy Ngà và gia đình.
Thông tin trên tờ ANTT cho biết, ngày 22/11/2016, vốn điều lệ của Nam Cường bị giảm xuống một nửa, tức từ 4.500 tỷ đồng xuống 2.250 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của bà Trần Thị Quỳnh Ngọc giảm từ 499,95 tỷ đồng xuống còn 67,5 tỷ đồng. Về phần bà Ngà, mặc dù vốn góp cũng được điều chỉnh từ 3.998,7 tỷ đồng về 2.115 tỷ đồng, song tỷ lệ sở hữu của bà Ngà lại tăng từ 88,86% lên 94%. Đồng thời, cổ đông Trần Oanh thoái hết vốn tại Nam Cường.
Ngày 14/12/2016, vốn điều lệ của Nam Cường được điều chỉnh về mức cũ là 4.500 tỷ đồng. Trong đó, ái nữ Trần Thị Quỳnh Ngọc của Tập đoàn Nam Cường chỉ sở hữu 3% cổ phần, tương ứng 135 tỷ đồng.
"Ôm ngủ" các siêu dự án, thương hiệu và vị thế của Nam Cường có giảm?
Tại Hà Nội, các dự án giao thông do Tập đoàn Nam Cường triển khai đều có tổng mức đầu tư lớn như: Đường trục phía Bắc Hà Đông hơn 3.000 tỷ đồng; đường trục kinh tế Bắc - Nam gần 7.700 tỷ đồng... Các dự án khu đô thị, nhà ở đều chiếm quỹ đất khổng lồ như: Phúc Thọ 156,5 ha; Thạch Thất 2.448,5 ha; Quốc Oai 2.841 ha; Chương Mỹ 1.000 ha; Ứng Hòa 849 ha; Thanh Oai 7 ha; Mỹ Đức 953 ha và Phú Xuyên 681 ha...
Trong đó, có khu đô thị mới Cổ Nhuế là dự án nằm ở phía Tây TP Hà Nội, với tổng diện tích 17,6 ha, dự kiến phục vụ 1.900 dân. Diện tích sàn xây dựng 80.000 m2, tỷ lệ không gian xanh mở là 37.5%, dự án gồm khối văn phòng cho thuê, hơn 50 biệt thự và 3 khối nhà chung cư cao tầng với 680 căn hộ cao cấp diện tích từ 90- 250 m2.
|
Nhiều diện tích đất tại dự án khu đô thị Dương Nội vẫn bị bỏ hoang. |
Khu đô thị mới Phùng Khoang nằm ngay nút giao ngã tư Tố Hữu - Lê Văn Lương cũng của Tập đoàn Nam Cường, quy hoạch chi tiết khoảng 46 ha, với quy mô dân số khoảng 3.000 - 5.000 người. Dự án này được giới thiệu là tổ hợp các công trình hỗn hợp gồm văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở, phục vụ cho dân cư khu vực và thành phố.
Khu đô thị mới Dương Nội của Nam Cường nằm trong chuỗi các đô thị thuộc dự án trục đô thị phía Bắc Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài) với chiều dài 5,7 km, mặt cắt ngang 40 m đi qua khu đô thị mới Phùng khoang, Dương Nội, cắt đường Lê Trọng Tấn nối với đường vành đai 4.
Khu đô thị này có diện tích 5,6 ha, được Nam Cường rót vốn khoảng 7.600 tỷ đồng vào dự án với mục tiêu xây dựng nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao tầng, công viên, bệnh viện, trường học, khách sạn, trung tâm thương mại, hồ điều hòa…, đặc biệt được phân các khu khác nhau.
|
Hình ảnh biển thông tin về dự án tại khu đô thị Dương Nội bị rách nát, nhếch nhác. |
Tuy nhiên, hàng chục năm qua trôi qua các siêu dự án nói trên của Tập đoàn Nam Cường vẫn chưa thể hoàn thiện hết các hạng mục. Thậm chí nhiều diện tích đất tại các dự án này vẫn đang bị bỏ hoang, hoa cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người đặt ra câu hỏi, cứ "ôm đất ngủ quên" thế này, danh tiếng và vị thế của Nam Cường trên bảng xếp hạng thị trường bất động sản có còn ổn định?