Từ 15/5 tới 14/6, CSGT đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ. Đặc biệt, CSGT có quyền dừng các xe dù không có dấu hiệu vi phạm ban đầu để kiểm tra hành chính, khiến nhiều người đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy.
Vốn dĩ bảo hiểm xe máy là loại giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông, nhưng thực tế nhiều người không mặn mà mua vì nhiều lý do, dù mua loại bảo hiểm này dễ hơn mua mớ rau.
Chị Lê Thuỳ Linh (27 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Năm ngoái tôi có mua bảo hiểm xe máy do một ngân hàng phát hành. Trong một lần đi làm về tôi có đâm phải đuôi chiếc ô tô đi phía trước làm vỡ đèn chiếu hậu và móp một phần đuôi xe. Nhớ ra là xe mình có bảo hiểm nên gọi điện "cầu cứu" cho số hotline 1900 9xxx nhiều lần nhưng đều không có người bắt máy. Cực chẳng đã tôi đành tự thương lượng với chủ xe bỏ tiền túi ra đền, dù là lỗi của mình nhưng chủ xe ô tô cũng đồng ý chịu một nửa tiền sửa chữa. Đợt đó tôi mất hơn 10 triệu đồng để đền cho người ta. Đúng là mua thì nhanh mà đòi quyền lợi thì lâu".
May mắn hơn chị Linh, anh Đào Quốc Trường (36 tuổi, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể, trong một lần đi xe máy ra ngoại thành Hà Nội không may đâm vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm, khiến nhiều hàng hoá bị vỡ, một phần tường nhà bị hư hại. Khi liên hệ với bảo hiểm anh được yêu cầu cung cấp biên bản xác nhận của công an, sau đó đến phần yêu cầu bồi thường anh phải nộp đủ các thể loại hoá đơn báo giá hàng hoá, hoá đơn xây dựng và từng viên gạch,... mọi thứ đều phải có con dấu xác nhận của chính quyền và bên bảo hiểm.
Thấy rằng quá mất thời gian cho việc đi đòi lại quyền lợi của mình anh Trường đã bỏ ngang việc yêu cầu bồi thường và tự thoả thuận với chủ nhà.
"Mục đích của việc mua bảo hiểm là xử lý, bồi thường những tai nạn không mong muốn. Tuy nhiên nhiều người mua nhưng khi tai nạn xảy ra ít người có thể hưởng được quyền lợi của mình. Hầu như mọi người đều tự sửa, tự bồi thường cho nhanh. Đợi bảo hiểm vừa làm khó, vừa mất thời gian. Mua thì nhanh mà xử lý thì lâu. Mục đích của bảo hiểm đa số mọi người mua để cho đủ giấy tờ, khi công an hỏi không bị xử phạt", anh Trường nói.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, anh Phi Long, một nhân viên bán bảo hiểm phân tích: Mặc dù tai nạn xe máy thường xuyên và chiếm phần lớn tai nạn giao thông ở Việt Nam nhưng cơ quan chức năng một phần làm chưa tốt việc tuyên truyền, cơ quan bảo hiểm cũng thiếu sự hướng dẫn dẫn đến việc khi xảy ra tai nạn người chủ xe không biết phải tìm đến đâu, làm những gì để nhận được quyền lợi của mình.
"Đối với những va chạm nhỏ thường thì mọi người sẽ tự xử lý bởi việc xác minh được trách nhiệm thuộc bên nào phải qua công an, làm thủ tục bồi thường bảo hiểm rất mất thời gian và công sức. Vậy nên trải nghiệm của nhiều người về loại bảo hiểm này hầu như là không có.
Ngay cả đối với các vụ lớn, nghiêm trọng, việc giải quyết bảo hiểm mất rất nhiều thời gian, đặc biệt nếu có người chết. Xác minh, lập hồ sơ công an, thoả thuận đền bù, thu thập đủ hồ sơ chứng từ hợp lệ có khi mất hàng năm trời. Vậy nên mới có việc nhiều người cảm thấy như công ty bảo hiểm đang cố tình làm khó, cố tình không chi trả", anh Long nói.
Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố một con số hết sức bất ngờ về các loại hình bảo hiểm xe máy. Trong đó, năm 2019 tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường chỉ 45 tỷ, tính ra tỷ lệ bồi thường chỉ 6% trên tổng doanh thu.
Số liệu do cơ quan quản lý bảo hiểm cung cấp cho thấy tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn thấp, đạt khoảng 30% (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô). Hơn 10 năm qua, ngành bảo hiểm đã giải quyết bồi thường cho 101.214 vụ tai nạn xe máy, mức chi trả trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính đánh giá, mức chi trả này thấp nhất nếu so với tỷ lệ bồi thường 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. Với tỷ lệ bồi thường chỉ dưới 10%, biên lợi nhuận cao nên thực tế một số công ty bảo hiểm đang chi trả mức hoa hồng cho tổng đại lý lên tới 50%-60%, vượt quá mức tối đa 20% như Bộ Tài chính quy định.