Dù dịch Covid bùng phát nhưng dịp cận tết, sản phẩm thịt, giò và các món chế biến từ đà điểu vẫn khá đắt hàng.
Tại cơ sở chăn nuôi đà điểu nổi tiếng của gia đình ông Đào Đức Thủy (thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), năm nào cũng vậy cứ dịp cuối năm số đà điểu thương phẩm lại được ông chế biến và cung cấp ra thị trường thành nhiều món đặc sản, như giò, thịt, dạ dày, xương,… Mỗi ngày, cơ sở cung cấp ra thị trường là các tỉnh, thành trên khắp cả nước hàng tạ hàng, các đơn hàng chủ yếu được đặt từ trước.
Đàn đà điểu thương phẩm tại cơ sở chăn nuôi của gia đình ông Đào Đức Thủy
Chia sẻ với phóng viên, ông Thủy cho biết, năm vừa qua dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tình hình kinh tế khó khăn, với cơ sở chăn nuôi đà điểu của ông cũng có ảnh hưởng nhưng không đáng kể.
Giò được chế biến từ thịt đà điểu
Dịp cận tết, lượng thịt, giò và các món ăn được chế biến từ đà điểu lại tăng đột biến. Trong đó, giò được bán chạy nhất vì khách hàng dùng làm quà biếu tặng khá nhiều.
“Giò hiện có giá 260.000 đồng/kg; thịt 250.000 đồng/kg; mè (nội tạng): 350.000 đồng/kg”… ông Thủy cho biết.
Nếu như những năm trước, thịt đà điểu đắt hơn thịt lợn, nhưng năm nay, do lợn bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu phi, nguồn hàng khan hiếm nên giá thịt lợn trên thị trường tăng giá hơn nhiều. Thời điểm cận tết năm nay giá một cân giò từ đà điểu tính ra tương đương với giá giò lợn. Do đó, khá nhiều người đặt giò và thịt đà điểu ăn tết thay thế cho giò lợn.
Giò đà điểu có hương vị rất riêng, màu hơi giống với thịt bò nhưng ăn thơm ngon đậm đà hơn
Tính đến ngày 24 tháng chạp, ông Thủy đã giao cho khách hàng được 6 tạ giò, 4 tạ thịt. Tuy nhiên, cũng theo lời ông Thủy trong mấy ngày cận tết mới là thời điểm cao điểm làm hàng và giao hàng.
“Phần lớn khách hàng đặt thịt và giò để dùng dịp tết, nên khoảng 1 tuần giáp tết là những ngày cao điểm nhất. Từ nay đến tết, đơn đặt hàng là giò đã lên tới 1 tấn, thịt khoảng 7 tạ và các sản phẩm khác chưa tính. Tôi giao hàng hết ngày 29 âm lịch” – ông Thủy nói thêm.
Cũng theo ông Thủy, do dịch Covid, nên trong mấy ngày qua một số nhà hàng ở các vùng có dịch, như Bình Dương, Hải Dương, Quảng Ninh,… phải hủy đơn hàng. Số còn lại, chủ yếu khách hàng mua làm quà biếu tặng hoặc dùng cho gia đình.
Đà điểu thương phẩm sau 10 đến 12 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 90 đến 120 kg/1 con.
Thịt đà điểu có vị ngon, đặc trưng
Thịt đà điểu là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Thịt đà điểu thuộc họ gia cầm, nhưng có vị ngon, ngọt đặc trưng, không bở cũng không dai, mềm hơn thịt bò, rất ít cholesterol nên tốt cho sức khỏe người ăn. Trong khi đó hàm lượng nước, protein, axit amin tương đương thịt bò, thịt gà.
Bắp thịt đà điểu hút chân không, cấp đông trước khi gửi cho khách hàng
Thịt đà điểu có thể chế biến nhiều món ăn, như: giò, xào xả ớt, nướng ngũ vị, cuộn lá nốt chiên,…
Thịt đà điểu chế biến làm giò - là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích. So với giò lợn, giò gà, giò bò... thì giò đà điểu có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Giò đà điểu có hương vị rất riêng, màu hơi giống với thịt bò nhưng ăn thơm ngon đậm đà hơn nhiều mà lại không ngán.