Mỗi tuần một DN: VTP duy trì kế hoạch cổ tức là 35-40%/năm 5 năm tới

Google News

(Kiến Thức) - Trong một báo cáo về cổ phiếu VTP của Viettel Post, Chứng khoán Rồng Việt cho biết độ phủ dịch vụ cao với mạng lưới bưu cục rộng khắp với các tuyến phát đến vùng nông thôn là lợi thế cạnh tranh chính, đối thủ của VTP cần ít nhất 7 năm để có thể xây dựng một hệ thống tương tự.

Gần 5 triệu cổ phiếu VTP của Viettel Post sẽ đấu giá vào ngày 11/11/2020

Thông tin chính thức từ HNX cho biết, vào ngày 11/11/2020 khoảng 5 triệu cổ phiếu VTP sẽ được đấu giá công khai trên sàn HNX với mức giá khởi điểm là 105.500 đồng/cổ phần, tăng so với mức giá khởi điểm trước đó là 104.800 đồng/cổ phần, nguyên nhân do giá thẩm định ban đầu thấp hơn giá giao dịch bình quân 30 ngày liên tiếp.

Như vậy tỷ lệ thoái vốn là 6% vốn điều lệ của VTP, tương đương tổng giá trị khởi điểm là gần 530 tỷ đồng. VDSC cho rằng việc thoái vốn của Viettel Group ít gây được sự chú ý từ các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng do tỷ lệ thoái khá thấp và phân kỳ giai đoạn thoái vốn tiếp theo chưa rõ ràng.

Moi tuan mot DN: VTP duy tri ke hoach co tuc la 35-40%/nam 5 nam toi
 

Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, VTP đã hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận ròng cả năm, tương đương 307 tỷ đồng (+15,4% YoY). Theo đó, lợi nhuận ròng Q3-2020 ước đạt 107 tỷ đồng (+5,8% YoY, +4,3% QoQ).

Trong 6T-2020, doanh thu thuần tăng mạnh 125% YoY nhờ ghi nhận doanh thu bán lẻ thẻ điện thoại từ 300 nghìn điểm bán và 826 cửa hàng mới từ Viettel Telecom trong Q1-2020. Tuy doanh thu tăng đột biến nhưng lợi nhuận gộp 6T-2020 tăng nhẹ 10% YoY do đặc thù biên gộp mảng kinh doanh bán thẻ điện thoại của Viettel Telecom rất thấp (khoảng 0,5%).

Mặc dù vậy, các điểm bán hàng của Viettel Telecom giúp VTP gia tăng vị thế quy mô mạng lưới của hoạt động kinh doanh lõi là chuyển phát, tận dụng các cửa hàng để trở thành điểm thu gom và giao nhận hàng, tiết giảm chi phí xây dựng bưu cục mới.

Độ phủ dịch vụ cao với mạng lưới bưu cục rộng khắp với các tuyến phát đến vùng nông thôn là lợi thế cạnh tranh chính

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa của VTP hiện đứng thứ 2 trên cả nước, chiếm 21% thị phần trong 2019, xếp sau Vietnam Post. Mạng lưới của VTP vượt trội so với các đối thủ nhờ hệ thống bưu cục và tuyến phát vươn đến tuyến huyện, xã, qua đó tiếp cận khách hàng ở nông thôn, giúp duy trì hiệu quả chi phí và đảm bảo mức giá cạnh tranh.

Cụ thể, độ phủ dịch vụ của VTP đạt 0,12 km/điểm dịch vụ, cao hơn mức trung bình ngành là 2.9 km/ điểm dịch vụ. Theo Ban lãnh đạo, đối thủ của VTP cần ít nhất 7 năm để có thể xây dựng một hệ thống tương tự và cần một nguồn lực rất lớn để xây dựng riêng hệ thống bưu cục, trung tâm khai thác chia chọn cũng như đội xe.

Đối với dịch vụ giao hàng tận nơi cho thương mại điện tử tại Hà Nội và TP.HCM, VTP đang đánh mất thị phần vào tay các đối thủ start-up công nghệ. Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, tại các thành phố trọng điểm của hoạt động thương mại điện tử là Hà Nội và TP.HCM, các doanh nghiệp bưu chính truyền thống như Vietnam Post và Viettel Post đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ, đặc biệt là các start-up công nghệ như Giao Hàng Nhanh và Giao Hàng Tiết Kiệm.

Tổng thị phần của Giao Hàng Nhanh và Giao Hàng Tiết Kiệm tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt chiếm 15% và 12% vào 2019, gia tăng đáng kể trong vòng 7 năm sau khi thành lập.

Các công ty này vượt trội hơn trong dịch vụ giao hàng trong ngày tại các thành phố lớn nhờ ứng dụng công nghệ vào dịch vụ chuyển phát (phát triển ứng dụng đặt đơn hàng, hỗ trợ khách hàng theo dõi tình trạng đơn hàng và quản lý dòng tiền COD trực tuyến), phát triển các tuyến phát dựa vào nguồn lực cộng đồng, giúp gia tăng đội ngũ shipper và xây dựng mạng lưới các điểm lấy hàng trong các cửa hàng tiện lợi Circle K, Vinmart+ như chiến lược của Giao Hàng Nhanh để khách hàng gửi và nhận hàng tại địa điểm thuận lợi, qua đó tiết giảm chi phí xây dựng bưu cục mới.

Moi tuan mot DN: VTP duy tri ke hoach co tuc la 35-40%/nam 5 nam toi-Hinh-2
 

Đến 2025, VTP định hướng trở thành một công logistics công nghệ cao (3PL), tập trung vào dịch vụ kho bãi và xử lý hàng hóa (fulfillment) và trở thành công ty chuyển phát số 1 tại Việt Nam. Ban lãnh đạo đặt kế hoạch doanh thu 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tương ứng với mức CAGR của doanh thu là 5,4%/ năm và CAGR lợi nhuận trước thuế là 19,3%/năm.

VDSC cho rằng trong dài hạn, VTP có thể đạt mục tiêu doanh thu lợi nhuận trên, nhờ hưởng lợi từ sự phát triển của ngành thương mại điện tử Việt Nam, giúp gia tăng doanh số chuyển phát bưu phẩm thương mại điện tử liên tỉnh và kỳ vọng thúc đẩy doanh thu dịch vụ kho và xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Hiện tại, dư địa tăng trưởng của ngành thương mại điện tử rất lớn khi doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C chỉ chiếm gần 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa với (theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam), khá thấp so với một số nước trong khu vực như Trung Quốc (14%). Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và độ phổ cập của Internet với 66% dân số sử dụng Internet giúp tạo nền tảng tăng trưởng nhanh và bền vững.

VTP duy trì kế hoạch cổ tức là 35-40%/năm trong 5 năm tới. VDSC ước tính cổ tức tiền mặt khoảng 15%/năm, do đó cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong 5 năm tới là 20-25%/năm. Chúng tôi lưu ý trong các năm gần đây VTP đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao (39 - 41%). Ngoài ra, VTP đã phát hành khoảng 1 triệu cổ phiếu ESOP vào 2019 với giá 30.000 đồng/ cổ phiếu, gây ra rủi ro pha loãng.

Kế hoạch đầu tư trong 5 năm của VTP là tập trung đầu tư vào công nghệ kho và xử lý hàng hóa với mức CAPEX dự kiến 2.000 tỷ đồng với cơ cấu vốn mục tiêu 30% nợ và 70% vốn chủ.

Giả sử VTP đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm nay (496 tỷ đồng) và giữ nguyên mức LNST này trong 5 năm tới, đồng thời duy trì mức chia cổ tức tiền mặt 15%/ năm và cổ tức cổ phiếu 20%/ năm, VTP sẽ tích lũy khoản lợi nhuận giữ lại chưa phân phối sau cổ tức khoảng 2,200 tỷ đồng vào cuối 2025. Như vậy, VTP sẽ tích lũy đủ nguồn lực để tài trợ cho nhu cầu vốn của mình ngay cả trong trường hợp không vay nợ.

VDSC đánh giá cao chiến lược tập trung vào công nghệ kho và xử lý đơn hàng của VTP thay vì gia tăng số lượng kho bãi và giành các đơn hàng vận chuyển của các sàn thương mại điện tử. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng việc thuê ngoài kho sẽ đem lại nhiều lợi ích về chi phí hơn việc tự xây dựng kho riêng do chi phí mặt bằng lớn.

Ngoài ra, VTP chủ trương không cạnh tranh về giá và không chạy đua giành các đơn hàng chuyển phát cho các sàn thương mại điện tử trong bối cảnh hầu hết các đối thủ vẫn đang duy trì cuộc chạy đua đốt tiền để giữ chân các tài xế và khách hàng sử dụng dịch vụ, khiến giá cước vận chuyển rất thấp và gây thua lỗ.

Việc tập trung vào vận chuyển liên tỉnh và không tham gia vào cuộc đua đốt tiền trong việc vận chuyển cho các sàn thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho VTP hơn việc tham gia cạnh tranh với các start-up công nghệ do đặc thù giá cước vận chuyển liên tỉnh cao hơn, tận dụng được thế mạnh cốt lõi là mạng lưới bưu cục và điểm thu gom lớn, đồng thời tránh được sự cạnh tranh từ các đối thủ start-up vận chuyển.

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)