VDSC tin rằng mức P/E mục tiêu là hợp lý khi kỳ vọng PNJ sẽ đạt tăng trưởng kép 3 năm trong LNST giai đoạn 2021-2024 là 25%. Kết hợp 1.800 đồng cổ tức tiền mặt, tổng lợi nhuận dự kiến là 9% theo giá đóng cửa ngày 5/11. VDSC đưa ra khuyến nghị tích luỹ PNJ trong dài hạn.
Biên lợi nhuận cải thiện nhờ đóng góp từ sản phẩm gắn đá quý
Doanh thu quý 3 ghi nhận 3.922 tỷ đồng (-0,3% YoY) trong khi LNST giảm nhẹ 2,8% YoY xuống còn 2020 tỷ đồng. Doanh thu và LNST 9T 2020 lần lượt ở mức 11,7 ngàn tỷ đồng (-0,1% YoY) và 642 tỷ đồng (-20,3% YoY).
Biên gộp Q3 2020 cải thiện 18,7% so với Q2 2020 là 17,3% bởi mở rộng biên lợi nhuận gộp ở mảng kinh doanh bán lẻ trang sức sau khi thay đổi trong đa dạng sản phẩm với đóng góp từ các sản phẩm gắn đá quý có biên lợi nhuận cao dần cải thiện.
Trong khi đó, biên ròng hàng quý phục hồi đáng kể 5,2% nhờ vào do chi phí bán hàng & quản lý/doanh số thấp hơn khi có ít cửa hàng phải đóng cửa hơn trong Q3 2020.
Doanh số bán lẻ bền vững bất chấp nhu cầu thị trường yếu. Tiêu thụ vàng trang sức của Việt Nam vẫn ở mức yếu đáng kể trong Q3 2020 do nhu cầu giảm một nửa xuống 1,8 tấn, theo số liệu của Hiệp hội Vàng Thế giới.
Tuy nhiên, mức này cho thấy sự phục hồi 15% so với quý trước do nền kinh tế trong nước phục hồi (GDP Q3 2020 tăng 2,62% YoY từ 0,39% YoY trong Q2 2020) và nhu cầu mua trang sức mùa cưới bị dồn nén khi nhiều cặp đôi hoãn đám cưới trong các tháng giãn cách xã hội.
Doanh số các cửa hàng hiện hữu không bị ảnh hưởng trong mùa chống Covid-19
Lũy kế 9T 2020, nhu cầu tại Việt Nam đạt 7,9 tấn, thấp hơn 41% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, doanh thu bán lẻ của PNJ lại ghi nhận kết quả tương đối khả quan.
Hoạt động kinh doanh bán lẻ trang sức trong Q3 2020 tăng 9% YoY, phục hồi tốt từ mức giảm -9% YoY trong Q2 2020 do ảnh hưởng từ việc thực hiện giãn cách xã hội trong đợt Covid đầu tiên, trong khi tăng trưởng ngành cũng như tăng trưởng doanh thu bán sỉ, một đại diện cho các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn, doanh số vẫn ghi nhận ở mức âm.
Bán sỉ là một hoạt động kinh doanh truyền thống của PNJ, giúp Công ty tận dụng công suất sản xuất lớn khi gia công sản phẩm cho các nhà bán lẻ trang sức vừa và nhỏ khác (ước tính chiếm khoảng 70% thị phần trang sức).
Tăng trưởng doanh số các cửa hàng hiện hữu (SSSG) cho thấy sự phục hồi. Theo ban lãnh đạo, doanh số các cửa hàng hiện hữu (các cửa hàng hoạt động trên 18 tháng) ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong những tháng không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống Covid-19, bao gồm tháng 5 và tháng 6 trong Q2 và tháng 7, tháng 9 trong Q3.
Nhờ đó, tăng trưởng doanh số các cửa hàng hiện hữu 9T 2020 đi ngang, phục hồi từ mức -4% trong Q1 2020 và tốt hơn kỳ vọng trong kịch bản cơ sở trước đó cho cả năm 2020 là -17%. Điều này cùng với đóng góp từ 31 và 6 cửa hàng mở mới ròng lần lượt trong năm 2019 và 9T 2020 đã hỗ trợ doanh số bán lẻ.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng hệ thống ERP mới đã hoạt động từ năm ngoái đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy SSSG trong những tháng gần đây thông qua các hoạt động tiếp thị tốt hơn hướng đến các khách hàng tiềm năng trong thời điểm nền kinh tế suy yếu.
|
Dự phóng tài chính của PNJ. |
PNJ vẫn củng cố vị thế dẫn đầu khi các nhà bán lẻ khác sẽ gặp khó trong bối cảnh nhu cầu toàn ngành suy yếu hơn
Trong tương lai, nhu cầu trang sức sẽ đối mặt khó khăn do thu nhập khả dụng của người tiêu dùng giảm và hạn chế chi tiêu các sản phẩm không thiết yếu nói chung - hệ quả của tình trạng kinh tế hạ nhiệt trong sau các tác động của Covid.
Trong khi tình hình này sẽ ảnh hưởng toàn ngành trang sức trong thời gian tới, VDSC tin rằng vị thế đầu ngành của PNJ sẽ được củng cố sau khi các nhà bán lẻ vừa và nhỏ phải rời khỏi cuộc chơi.
Kỳ vọng nhu cầu tăng cuối năm sẽ giúp lợi nhuận ròng Q4 hồi phục lên mức 328 tỷ đồng (+62% QoQ, -15% YoY). Doanh thu và LNST năm 2020 ước tính đạt 16,8 ngàn tỷ đồng (-1% YoY) và 970 tỷ đồng (-19% YoY).
Cho năm 2021, VDSC kỳ vọng doanh thu và LNST sẽ ở mức 19,3 ngàn tỷ đồng (15% YoY) và 1.231 tỷ đồng (+27% YoY) dựa trên sự hồi phục kinh tế, qua đó, giúp thúc đẩy SSSG và mở rộng biên lợi nhuận.