Ngày 25/8, trao đổi với Zing, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết đơn vị đã khẩn trương liên hệ, trao đổi với Cơ quan đầu mối SPS của Campuchia, đồng thời xử lý kiến nghị của Acecook Việt Nam về việc xem xét tiêu chuẩn Ethylene Oxide của nước này.
Theo đó, qua trao đổi, Campuchia cho biết số lô mì ăn liền Hảo Hảo hương vị gà mà EU phát hiện nhiễm Ethylene Oxide sẽ không được phép nhập khẩu.
"Chứng nhận kiểm tra Ethylene Oxide chỉ bắt buộc đối với sản phẩm Mì ăn liền Hảo Hảo. Nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này với số lô tương ứng cho cán bộ hải quan và thuế tại cửa khẩu. Việc kiểm tra thực tế có thể được gỡ bỏ cho đến khi 5 lô hàng liên tiếp không bị nhiễm Ethylene Oxide", ông thông tin.
Theo ông Nam, các nhà sản xuất mì ăn liền và thương hiệu khác xuất khẩu sang Campuchia không bị ảnh hưởng trong đợt này. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chủ động kiểm soát chặt chỉ tiêu Ethylene Oxide trong mì ăn liền, đặc biệt là trong các gói gia vị đi kèm.
|
Trước đó, mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) sản xuất tại Việt Nam bị thu hồi ở Ireland. Ảnh: FSAI.
|
Trước đó, cuối tháng 7, sau khi EU công bố thông tin về việc một số loại mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam có chứa Ethylene Oxide, các cơ quan chức năng Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì có chứa chất này.
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết theo quy định của Campuchia, thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về an toàn của nước này hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, dù luật Campuchia chưa quy định về chất Ethylene Oxide trong mì ăn liền nhưng họ có thể viện dẫn tiêu chuẩn EU để áp dụng.
Ethylene Oxide là một hợp chất hữu cơ thường ở dạng khí không màu và được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
Đây không phải là phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nhưng có thể được sử dụng với mục đích kiểm soát côn trùng, vi sinh vật trong sản phẩm thực phẩm khô (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella).
Hiện nay, một số quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định về việc sử dụng Ethylene Oxide trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm nhưng với sự chênh lệch rất lớn. Tại EU, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp.
Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Vào tháng 9/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide, bảo đảm an toàn với sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn chưa ban hành.