Lý giải khoản lãi nghìn tỷ của công ty Bầu Đức

Google News

Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 6.932 tỷ đồng, tăng 36% và lãi sau thuế ghi nhận hơn 1.817 tỷ đồng, cao hơn 62% so với mức thực hiện của năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) ghi nhận doanh thu thuần gần 1.898 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ trái cây đạt gần 903 tỷ đồng, tăng 68%; bán sản phẩm, hàng hóa mang về 441 tỷ đồng, tăng 39%; ngược lại, mảng heo đóng góp 465 tỷ đồng, giảm 34%; còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ gần 89 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu, qua đó, lợi nhuận gộp giảm mạnh 49% so với cùng kỳ, đạt 217 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, Hoàng Anh Gia Lai báo lãi sau thuế hơn 1.107 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất mà Hoàng Anh Gia Lai từng ghi nhận kể từ quý II/2017. Đáng nói, sự tăng trưởng đột biến này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, mà từ hoạt động tài chính.
Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý IV/2023 tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ, đạt gần 295 tỷ đồng nhờ công ty thanh lý một số khoản đầu tư trong kỳ, cùng kỳ năm trước không phát sinh. Các khoản đầu tư này không được Hoàng Anh Gia Lai thuyết minh cụ thể.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính âm 996 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay ghi nhận âm 952 tỷ đồng. Theo Hoàng Anh Gia Lai, chi phí này có biến động lớn so với cùng kỳ năm ngoái, do được miễn giảm lãi vay của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Trong quý IV/2023, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 77 tỷ đồng, cùng kỳ âm 213 tỷ đồng, do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu. Chi phí bán hàng gần 84 tỷ đồng, tăng 65%. Đáng chú ý, chi phí khác lỗ 264 tỷ đồng, nguyên nhân do Hoàng Anh Gia Lai đã thanh lý một số tài sản và xóa sổ các tài sản hoạt động không hiệu quả.
Ly giai khoan lai nghin ty cua cong ty Bau Duc
 Lý giải khoản lãi nghìn tỷ của công ty Bầu Đức (ảnh minh họa: Internet).
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 6.932 tỷ đồng, tăng 36% so với mức thực hiện năm 2022. Hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn khả quan khi có lãi gộp tăng 16% lên 1.364 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 20%, đạt 586 tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào nguồn thu của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2023.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận hơn 1.817 tỷ đồng, cao hơn 62% so với mức thực hiện của năm 2022. Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành cả 2 chỉ tiêu tài chính đề ra cho năm 2023.
Lỗ lũy kế giảm mạnh còn 1.600 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai tăng thêm 1.729 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 8,7% lên mức hơn 21.527 tỷ đồng. Hàng tồn kho chỉ chiếm 4,3%, đạt hơn 921 tỷ đồng (giảm 19,7%). Đáng chú ý, Hoàng Anh Gia Lai tăng đầu tư mở rộng tài sản cố định thêm 1.577 tỷ đồng, lên mức 5.399 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền cộng với tiền gửi giảm gần 42% về còn 42 tỷ đồng.
Cùng đó, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn giảm 35% từ mức 4.017 tỷ đồng xuống còn 2.584 tỷ đồng. Trong đó, khoản cho vay ngắn hạn Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã: HNG) và các công ty con của HNG tăng gấp đôi từ 501 tỷ đồng lên 1.114 tỷ đồng, khoản cho vay các bên liên quan khác giảm một nửa từ 3.449 tỷ đồng còn 1.323 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản dở dang dài hạn chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận hơn 5.434 tỷ đồng, tăng 17,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chi phí phát triển vườn cây ăn quả đạt hơn 4.160 tỷ đồng, tăng 20%; chi phí dự án chăn nuôi đạt hơn 1.202 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, về phần nguồn vốn, Hoàng Anh Gia Lai có gần 14.802 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp phình to thêm hơn 828 tỷ đồng lên mức 4.828 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2023, tăng 21% so với đầu năm. Ngược lại, nợ vay dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng về mức 3.081 tỷ đồng, giảm 26%.
Do vậy, nhờ khoản lãi sau thuế hơn 1.800 tỷ đồng của năm 2023, lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối của Hoàng Anh Gia Lai giảm từ hơn 3.341 tỷ đồng về còn hơn 1.633 tỷ đồng. Tại cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 6.725 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 9.274 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan khác, trước đó, ngày 29/12/2023, Hoàng Anh Gia Lai công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Công ty CP Bapi Hoàng Anh Gia Lai (Bapi HAGL). Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Bapi HAGL, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty liên kết của Hoàng Anh Gia Lai.
Được biết, Bapi HAGL được thành lập vào tháng 5/2022, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, sau khi Hoàng Anh Gia Lai ra mắt thương hiệu heo ăn chuối. Hoạt động của Bapi HAGL trong hệ sinh thái là bán buôn thực phẩm, bao gồm các thương hiệu thịt của Hoàng Anh Gia Lai. Tại thời điểm thành lập, Bapi HAGL có 3 cổ đông sáng lập gồm Hoàng Anh Gia Lai nắm 55% (2,75 triệu cp), Công ty TNHH Thương mại Dược Phẩm Đông Á nắm 40% (2 triệu cp) và một cá nhân nắm 5% (250 ngàn cp).
Sau đó, Bapi HAGL tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng (theo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp ngày 16/01/2023) thông qua phương án phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược. Tại ngày 30/06/2023, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại Bapi HAGL giảm từ 55% xuống còn 44,5% và Bapi HAGL trở thành công ty liên kết.

Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)