Lượng khách chỉ còn 1-2%, vì sao giá vé máy bay nội địa vẫn đắt?

Google News

Số chuyến bay được khai thác giảm mạnh cũng như số ghế bán ra trên mỗi chuyến bị hạn chế nhằm giãn cách hành khách, đã đẩy giá vé máy bay lên mức cao.
 

Vé máy bay trên "trục vàng" TP.HCM - Hà Nội giai đoạn 1/4 - 22/4 luôn phổ biến ở mức 5-6 triệu đồng, thậm chí lên tới gần 7 triệu đồng và rơi vào tình trạng "cháy vé". Đây là điều bất ngờ trong bối cảnh nhu cầu di chuyển hàng không đang xuống thấp kỷ lục vì dịch Covid-19.
Một mặt hàng tăng giá thường do nhu cầu mua tăng mạnh. Tuy nhiên, theo thống kê từ Cục Hàng không, lượng khách dị chuyển hàng không tại Việt Nam đang xuống thấp kỷ lục, chỉ ở mức 1-2% so với thời điểm trước dịch.
Luong khach chi con 1-2%, vi sao gia ve may bay noi dia van dat?
Số chuyến bay được khai thác giảm mạnh cũng như số ghế bán ra trên mỗi chuyến bị hạn chế nhằm giãn cách hành khách đã đẩy giá vé máy bay lên mức cao. Ảnh: Khánh Huyền. 
Lý do khiến giá vé máy bay tăng cao nằm ở việc các hãng hàng không bị hạn chế số chuyến bay và số ghế được bán trên mỗi chuyến trong mùa dịch Covid-19.
Theo nhiều tổ chức theo dõi hàng không, đường bay TP.HCM - Hà Nội luôn trong nhóm 10 đường bay bận rộn nhất thế giới và không ít lần nằm trong top 5. Thống kê từ Flightradar24 cho thấy đầu tháng 9/2019, có tổng cộng gần 1.000 chuyến bay qua lại giữa hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất mỗi tuần. Tính trung bình, mỗi ngày "trục vàng" TP.HCM - Hà Nội có 140 chuyến bay.
Để phục vụ phòng chống dịch Covid-19, các hãng hàng không đã phải giảm số chuyến bay khai thác trên các đường bay nội địa, đặc biệt là đường bay TP.HCM - Hà Nội. Trong giai đoạn 16/4 -22/4, các hãng bay Việt chỉ khai thác tổng cộng 14 chuyến bay trên trục bay vàng, giảm 10 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Không chỉ giảm 10 lần về lượng chuyến bay, lượng ghế mà các hãng bán ra trên mỗi chuyến bay cũng giảm để thực hiện yêu cầu giãn cách hành khách từ cơ quan chức năng. Theo đó, nhà chức trách hàng không yêu cầu các hãng bay giãn cách hành khách ít nhất 1 ghế với các chuyến bay xuất phát từ Hà Nội và TP.HCM.
Điều này đồng nghĩa mỗi chuyến bay chỉ được phép bán 2/3 số ghế tối đa. Một chiếc máy bay thân rộng 787-9 của Vietnam Airlines cấu hình 28 ghế thương gia, 35 ghế phổ thông đặc biệt và 211 ghế phổ thông sẽ không thể chở đầy khách như cấu hình, mà phải để trống ghế nhằm giãn cách hành khách.
Tương tự, chiếc thân hẹp chở khách tốt nhất của Vietjet Air với cấu hình 240 ghế phổ thông cũng sẽ phải giảm 1/3 lượng vé bán ra để có ghế trống thực hiện giãn cách hành khách theo quy định.
Hai yếu tố trên dẫn tới tải cung ứng trên trục TP.HCM - Hà Nội trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh giảm khoảng 30 lần, trong khi nhu cầu di chuyển của hành khách trên trục bay quan trọng này vẫn còn, dẫn tới giá vé thường xuyên lên cao, thậm chí lên tới trần giá vé hoặc hết vé.
Mới đây, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kế hoạch tăng khai thác các đường bay nội địa giai đoạn từ ngày 23/4 đến ngày 30/4. Theo đó, đường bay TP.HCM - Hà Nội sẽ tăng khai thác lên 20 chuyến mỗi ngày.
Lượng chuyến bay này được Cục Hàng không đề xuất phân bổ theo mức 6 chuyến/ngày cho Vietnam Airlines, 6 chuyến/ngày cho Vietjet Air, 4 chuyến/ngày cho Bamboo Airways và 4 chuyến/ngày cho Jetstar Pacific Airlines, đơn vị thành viên của Vietnam Airlines.
Với đường bay Hà Nội, TP.HCM đi Đà Nẵng và ngược lại, Vietnam Airlines và Vietjet Air được phân bổ mỗi hãng 3 chuyến/đường bay/ngày. Bamboo Airways và Jetstar Pacific được phân bổ khai thác 2 chuyến/đường bay/ngày.
Cục Hàng không cũng đề nghị các hãng được phép khai thác 1 chuyến/đường bay/ngày với các đường bay từ Hà Nội hoặc TP.HCM đi các địa phương khác. Riêng đường bay TP.HCM - Côn Đảo, mức này là 4 chuyến/ngày. Các đường bay giữa các địa phương khác được Cục đề xuất khai thác ở mức mỗi hãng 1 chuyến/ngày.
Theo Ngô Minh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)