Mới đây, UBND TP HCM vừa có kiến nghị tổ công tác Thủ tướng tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội.
Theo quy định, khi Nhà nước sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách thì chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại phải đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trước khi bàn giao quỹ đất này cho Nhà nước. Sau đó, chủ đầu tư sẽ được hoàn trả chi phí bồi thường, chi phí đầu tư hạ tầng cho 20% quỹ đất này hoặc cấn trừ vào nghĩa vụ tài chính phải nộp của dự án.
UBND TP HCM cho biết tuy pháp luật hiện hành đã có quy định hoàn trả các chi phí trên cho chủ đầu tư nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể: cơ quan chủ trì thẩm định chi phí, giá trị đầu tư xây dựng, phương thức tiếp nhận quỹ đất… Bộ Xây dựng cũng chưa có thông tư có hướng dẫn và thực hiện.
Điển hình hai dự án đang gặp vướng mắc trên là Khu dân cư 28ha tại huyện Nhà Bè do Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Nhà Bè làm chủ đầu tư và dự án khu dân cư thương mại 12,3ha tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Huỳnh Thông.
Về quy định pháp luật thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội khi điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thì có 6 dự án nhà ở xã hội bị vướng mắc, gồm: dự án khu nhà ở tại phường Long Trường, TP Thủ Đức do Công ty CP bất động sản Tiến Phước làm chủ đầu tư.
Dự án khu chung cư cao tầng tại phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Trường Tín làm chủ đầu tư. Dự án chung cư Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân do Công ty CP đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư.
Dự án khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú do Công ty CP Gamuda Land làm chủ đầu tư. Dự án khu căn hộ tại phường Bình Thuận, quận 7 do Công ty CP đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư. Dự án khu Sài Gòn - Thới An tại quận 12 của Công ty CP xây dựng và thương mại Sài Gòn 9 làm chủ đầu tư.
|
Một dự án nhà ở xã hội ở TP HCM. |
Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định, dự án nhà thương mại dưới 10ha thì chủ đầu tư được chọn 1 trong 3 hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội, là tự xây dựng hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị 20% quỹ đất hoặc nộp tiền.
Trong khi đó, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP quy định, dự án nhà thương mại từ 2ha trở lên tại đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I (từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III) phải dành 20% quỹ đất tại dự án để xây nhà ở xã hội.
Trường hợp các dự án nhà thương mại đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước thời điểm Nghị định số 49 có hiệu lực thì chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100.
Thực tế, TP HCM có nhiều dự án nhà thương mại quy mô từ 2-10ha đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, giao đất. Chủ đầu tư được chọn hình thức nghĩa vụ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100.
Đến nay, các dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư. Văn bản chấp thuận chủ trương và chấp thuận đầu tư hết hạn, tiến độ dự án hết hạn. Các trường hợp này khi thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư thì được yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo Nghị định số 49 nên chủ đầu tư không đồng ý và kiến nghị áp dụng nghị định 100.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản thống nhất với hướng xử lý này. Nhưng với các dự án phải thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP HCM trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn theo thẩm quyền.
Do đó, UBND TP HCM kiến nghị tổ công tác làm việc với các bộ, ngành liên quan cho phép các dự án khi thực hiện hoặc điều chỉnh chấp thuận đầu tư được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo văn bản UBND TP đã chấp thuận trước đây.
Ngày 17/11/2022, Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành.
Nhiệm vụ của tổ công tác là rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành.
Tổng hợp báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Tổng hợp tham mưu Thủ tướng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết tháo gỡ khó khăn liên quan khi triển khai các dự án bất động sản với nội dung vượt quyền của Thủ tướng. Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến triển khai các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương...
Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương.
Đồng thời, tổ có quyền mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và UBND các tỉnh thành có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.