Chiều 18/9, hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông đã phong toả trụ sở công ty cổ phần địa ốc Alibaba nằm trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP HCM) để đọc lệnh bắt với ông Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc).
Thời gian gần đây Bộ Công an, Công an TP HCM và Công an các tỉnh thành khác tiến hành điều tra nhiều vụ việc liên quan đến công ty địa ốc Alibaba. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc công ty này bị nhiều khách hàng tố cáo nhận tiền bán đất nền tại các dự án ở nhiều tỉnh thành như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận…
Cụ thể, trước khi lãnh đạo cấp cao của Địa ốc Alibaba bị tóm, công ty này đã vướng phải không ít lùm xùm.
Bán khống dự án "ma" ở Đồng Nai
Tháng 11/2018, UBND huyện Long Thành có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh giao dịch, mua bán đất nền của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Theo UBND huyện Long Thành, dù không được cấp phép thực hiện bất cứ dự án nào trên địa bàn huyện nhưng Công ty địa ốc Alibaba vẫn rầm rộ rao bán nhiều dự án đất nền tại đây.
|
Ngang nhiên rao bán đất nền trên mạng dù không được cấp phép thực hiện dự án nào tại Đồng Nai. Ảnh: Baodongnai. |
Tại huyện Long Thành, Công ty Alibaba đã liên kết với Công ty cổ phần Địa ốc Tia Chớp (Địa ốc Tia Chớp; địa chỉ 52, quốc lộ 51, ấp Tập Phước, xã Long Phước) để thực hiện rao bán chui 21 dự án ở các xã như Phước Bình, Long Phước, An Phước thông qua 2 website là http://diaocalibaba.vn, http://diaocalibaba.com.vn và một số trang thông tin điện tử khác.
Địa ốc Alibaba và Địa ốc Tia Chớp đã rao bán các dự án đất nền. Đã có hàng trăm khách hàng ở tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận tham gia đóng tiền đặt chỗ. Đã có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh Đồng Nai tham gia đóng tiền đặt mua.
Các vị trí mà Alibaba rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, làm giao thông của các cá nhân. Địa ốc Alibaba và đối tác đã tự ý vẽ bản đồ giao thông, chia nhiều lô đất nhỏ không đúng thực tế để rao bán.
Tháng 6/2019, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP HCM) đã ngang nhiên tự vẽ quy hoạch, phân lô bán nền đất nông nghiệp 29 dự án thuộc địa bàn các huyện: Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch.
Tính đến thời điểm tháng 6/2019, UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh chưa cấp phép bất kỳ dự án nào cho Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Do đó, những dự án Alibaba quảng cáo trên website của công ty này và các trang mạng xã hội đều là dự án "ma".
Bán đất nền trái phép tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM)
Không chỉ "tác oai, tác quái" thị trường bất động sản Đồng Nai, trước đó, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba từng rao bán đất nền trái phép tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM) bị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử phạt.
|
Phối cảnh một góc khu đô thị Tây Bắc. Ảnh: Nhadautu. |
Cụ thể, Alibaba tự xưng là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP HCM để mở bán và nhận đặt chỗ của khách hàng.
Tháng 12/2017, UBND TP HCM có văn bản đề nghị biện pháp không cho Công ty địa ốc Alibaba tham gia vào các dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, do thái độ thiếu hợp tác.
Dự án Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Khi lùm xùm tại khu vực Tây Bắc Củ Chi (TP HCM) chưa lắng xuống, ngày 26/11/2018, công ty Alibaba vẫn mở bán dự án mới Khu đô thị Alibaba Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).
|
Dự án Alibaba Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Báo Xây dựng. |
Dự án Alibaba Tân Thành được giới thiệu nằm trên mặt tiền đường Châu Pha - Tóc Tiên, có quy mô 13ha và 860 nền đất.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa hề cấp phép cho Công ty Alibaba bất kỳ dự án nào. Không những vậy, những khu đất mà Công ty Alibaba tự vẽ dự án, tự phân lô phần lớn đất được quy hoạch là đất nông nghiệp, thậm chí là quy hoạch đất nghĩa trang, hạ tầng.
Rao bán dự án 'ma' tại Bình Thuận
Từ khoảng tháng 5/2019, trên mạng liên tục xuất hiện các thông tin rao đất nền tại dự án mang tên khu đô thị sinh thái Ali Venice City của Tập đoàn địa ốc Alibaba, giá bán 120– 190 triệu đồng/nền 100m2.
Trung tuần tháng 6/2019, Công ty Địa ốc Alibaba đã tổ chức rầm rộ lễ mở bán dự án này tại TP HCM thu hút rất đông người tham gia.
Đến ngày 14/8/2019, Công an tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản liên quan đến trách nhiệm xử lý một số dự án bất động sản “ma” trên địa bàn tỉnh.
|
"Khu dân cư" thực chất là khu rừng tràm. Ảnh: Plo. |
Theo đó, từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận các cơ quan chức năng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của Công ty CP Địa ốc Alibaba (trụ sở số 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM)
Vì vậy, việc Địa ốc Alibaba rao trên mạng phân lô, bán nền “dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City” tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận là không đúng thực tế và không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhà ở.