Loạt app “đầu tư nhỏ lợi tức cao” bị UBCKNN cảnh báo

Google News

Chiều ngày 5/10 vừa qua,Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra cảnh báo người dân cần thận trọng khi thực hiện giao dịch đầu tư chứng khoán trên các website, app chưa được cấp phép.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, ứng dụng giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Loat app “dau tu nho loi tuc cao” bi UBCKNN canh bao
 Thông báo của UBCKNN về hoạt động của một số ứng dụng chưa được cấp phép
Thông báo của UBCKNN viết: "Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình".
UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Passion Invest (Công ty CP Passion Investment) cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng dành cho phần lớn các khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, các khách hàng cá nhân có số vốn lớn và các khách hàng tổ chức có thể hợp tác với Passion Investment thông qua sản phẩm quản lý tài khoản riêng từ 50 tỷ đồng. Trong thời gian hợp tác, hiệu quả đầu tư sẽ được Passion Invest báo cáo định kỳ hàng tuần đến các nhà đầu tư.
Công ty này quảng cáo tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm cho giai đoạn 6 năm từ năm 2016 đến hết năm 2021 của sản phẩm hợp tác kinh doanh đạt mức tỷ suất bình quân 52.92%/năm, riêng năm 2021 là 101%.
Finhay (Công ty CP Finhay Việt Nam) là ứng dụng tài chính cá nhân. Tài sản của người dùng sẽ được chuyển tới Công ty CP quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Gần đây, Finhay đã sắm cho mình một công ty chứng khoán, thâu tóm thành công Công ty CP Chứng khoán Vina (VNSC).
Tiikop là một ứng dụng fintech thuộc Công ty CP Công nghệ Techlab. Thành lập vào tháng 16/6/2020, Tiikop cung cấp cho nhà đầu tư cá nhân các sản phẩm tài chính như: Chứng chỉ quỹ, Tích luỹ, mua chung Bất động sản... với số vốn tham gia tối thiểu nhỏ.
Loat app “dau tu nho loi tuc cao” bi UBCKNN canh bao-Hinh-2
 Finhay đưa ra mức lợi nhuận lên đến 49,5%/năm
Infina là mô hình đầu tư và tích lũy, của Công ty RealStake (Singapore), và có chi nhánh tại Việt Nam. Ứng dụng này hiện cung cấp các sản phẩm đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi và tích lũy. Infina còn cung cấp sản phẩm đầu tư chung bất động sản, theo hình thức mua 1 phần sở hữu trực tiếp từ Infina hoặc từ các sàn giao dịch.
Savenow là một ứng dụng đầu tư - tiết kiệm vừa và nhỏ. Theo quảng cáo, tiền đầu tư vào ứng dụng sẽ chuyển đến các công ty quản lý quỹ có mặt trong hệ thống SaveNow theo tỷ lệ cụ thể. Các quỹ này thực hiện quản lý và đầu tư vào các thị trường cổ phiếu, trái phiếu… Đầu tư SaveNow còn được tích hợp trên ứng dụng Viettel Money. Đơn vị chủ quản Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ viễn thông Việt Tín.
BUFF là ứng dụng của Công ty CP Buff Fintech, cung cấp các sản phẩm tài chính, lãi suất theo quảng cáo hấp dẫn hơn so với kênh tiết kiệm truyền thống. Trong đó, sản phẩm tích lũy kỳ hạn cố định (1-18 tháng) cho lãi suất lên đến 9,6%/năm. Sản phẩm được cấu thành từ các công cụ nợ do các đơn vị tư vấn thị trường thẩm định, chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.
Loat app “dau tu nho loi tuc cao” bi UBCKNN canh bao-Hinh-3
 Dựa vào đâu để các doanh nghiệp này cam kết mức lợi nhuận cao đến 20%/năm?
Dù mang nhiều hình dạng khác nhau, thế nhưng bản chất của các ứng dụng trên đều là kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào, để rồi sau một thời gian sẽ nhận lại khoản tiền lớn hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Về cơ bản, hình thức này cũng không quá khác biệt với hoạt động của các doanh nghiệp "đầu tư nhỏ lợi tức lớn" như Bank Land, DH Group, Cawiho, Fintech Land... đã và đang bị truyền thông, báo chí cảnh báo trong thời gian gần đây.
Với việc các ứng dụng này đều đã hoạt động được từ 1 - 2 năm, thật khó có thể lý giải cho hành động "bỏ quên" xin cấp phép của UBCKNN. Động thái này đặt ra nghi vấn, liệu các ứng dụng này có thật sự tốt đẹp như quảng cáo, hay cũng chỉ là chiêu trò để kiếm tiền của các doanh nghiệp? Trái đắng sẽ thuộc về ai, ngoài những nhà đầu tư khi các doanh nghiệp này bỗng một ngày nào đó tuyên bố "phá sản"?
Minh Châu

>> xem thêm

Bình luận(0)