Với tác dụng thanh nhiệt, giải độc và là vị thuốc chữa các bệnh về hoa mắt, chóng mặt, cao huyết áp, từ hàng nghìn năm trước, người dân đã coi hoa cúc chi là loại hoa đặc biệt được trồng để dâng lên vua chúa.
Ngày nay, nhờ trồng và thu hoạch cúc chi, nhiều hộ dân đã trở nên có của ăn, của để vì mỗi kg hoa có thể bán được với giá khoảng 500.000 đồng.
Người dân nhộn nhịp thu hoạch trên cánh đồng vàng óng. (Ảnh: Kim Thanh).
Những ngày này, đến làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), sẽ thấy cả cánh đồng rộng mênh mông vàng óng hoa cúc chi đang mùa nở rộ. Khắp các thửa ruộng, các bà các mẹ đang nhanh thoăn thoắt đưa tay ra ngắt những bông hoa nhỏ xíu để mang bán.
Tiền công hái hoa cúc chi từ 10.000-15.000 đồng/kg. (Ảnh: Kim Thanh).
Chị An Thị Hải Yến cho biết, nghề trồng hoa cúc chi ở quê chị có từ hàng nghìn năm trước. Gia đình chị cũng sở hữu 5 sào đất trồng hoa cúc, mỗi sào thu hoạch được khoảng 350kg tươi/năm.
Loại cúc này chỉ nở rộ trong khoảng 1 tháng cuối năm. (Ảnh: Kim Thanh)
“Nếu bán tươi thì được khoảng 50.000 đồng/kg nhưng mang đi sấy khô thì bán được giá hơn 500.000 đồng/kg. Vì vậy nhà tôi thu mua thêm của bà con và tiến hành sấy, cung cấp cho người dân làm trà hay bán cho các công ty dược”, chị Yến nói.
Mỗi người có thể hái được từ 15-20kg hoa cúc tươi/ngày. (Ảnh: Kim Thanh).
Theo chị Yến, trước đây, người dân trong làng chỉ sấy hoa cúc theo kiểu truyền thống bằng than hoặc sấy lưu huỳnh nên chất lượng và màu sắc không được đẹp. Vì vậy, cách đây 5 năm chị đã đầu tư máy sấy lạnh.
Hoa cúc được ngắt về sẽ tiến hành sấy để làm trà hoặc cung cấp cho các công ty dược.
“Sấy lạnh làm cho chất lượng và màu sắc đẹp hơn nên giá thành cũng cao hơn sấy diêm sinh. Màu hoa tươi thế nào thì sấy khô vẫn có màu như thế. Ngoài bán theo cân, tôi còn đóng thành lọ 50g, bán 90.000 đồng/lọ”, chị Yến cho hay.
Chị Yến cho biết mỗi sào có thể thu hoạch được 3,5 tạ hoa cúc chi tươi.
Thông thường, cúc chi được trồng từ tháng 6 dương lịch đến tháng 12 là thu hoạch. Do hoa không “chín” cùng một lúc nên người dân thường thu hái thành 2 đợt, cách nhau 1 tháng, từ tháng 12 dương lịch đến sát Tết Nguyên Đán.
Sau khi sấy khô, cúc chi được bán với giá trên 500.000 đồng/kg.
Vào vụ thu hoạch cúc chi, cả làng Nghĩa Trai trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Từ người già, thanh niên đến trẻ con đều ra đồng hái hoa. Nhà nào trồng thì hái của gia đình, nhà nào không trồng thì đi hái hoa thuê. Tiền công hái cúc chi dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg, mỗi người có thể hái được khoảng 15-20kg/ngày.
Không chỉ mua và bán hoa cúc tươi, cánh đồng cúc chi vàng óng còn thu hút rất nhiều người từ khắp nơi đến chụp ảnh. (Ảnh: Kim Thanh).
Từ trung tâm Hà Nội tìm về Hưng Yên để chiêm ngưỡng cánh đồng hoa cúc chi vào mùa thu hoạch, chị Trần Kim Thanh, trú tại Đội Cấn (Hà Nội) cho biết, năm nào đến mùa cúc chi chị cũng cùng bạn bè qua đây thăm quan và mua hoa về làm trà.
Vườn hoa đẹp có vé vào chụp ảnh là 50.000 đồng/người, nếu mua hoa cúc thì không mất tiền vào chụp ảnh. (Ảnh: Kim Thanh).
“Tôi thường mua hoa tươi về tự sấy rồi pha trà uống. Mỗi ấm trà chỉ cần 9 bông cúc. Nếu không uống được mình hoa cúc thì có thể thêm cam thảo, đường phèn, mật ong, vừa ấm người vừa thơm. Thích lắm”, chị Thanh cho hay.
Từ việc trồng và thu hoạch cúc chi, toàn xã Tân Quang thu về lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng/năm.
Được biết, toàn xã Tân Quang có trên 20ha trồng cúc dược liệu nằm ở các thôn Đại Tài, Ngọc Lịch, Nghĩa Trai. Trong đó, thôn Nghĩa Trai có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10h. Sản lượng hoa cúc dược liệu tại xã Tân Quang ước đạt 250 tấn/năm, đạt giá trị sản lượng trên 11 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng.