Cầm túi côn trùng “lúc nhúc” màu vàng được đựng trong túi lưới, chị Phan Thuý Hằng, trú tại Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đây là món tằm lá sắn, một món ăn mà vợ chồng chị rất yêu thích và phải chờ hơn 10 ngày mới mua được 2kg.
“Vợ chồng tôi rất thích các loại côn trùng như nhộng ve sầu, châu chấu hay bọ xít. Tằm lá sắn cũng không phải ngoại lệ. Chỉ cần mua về, luộc với lá chanh, chấm với mắm tỏi ớt thì “quên sầu” luôn”, chị Hằng dí dỏm nói.
Tằm lá sắn luộc lá chanh.
Theo chị Hằng, không phải lúc nào cũng mua được tằm lá sắn mà chỉ có bán từ tháng 5 đến tầm tháng 9-10 hàng năm. Muốn mua chị cũng phải đặt mối hàng tận Thanh Hoá gửi ra.
“Họ phải gom thành chuyến từ 10-15kg rồi mới chuyển ra, chia đơn rồi ship cho đỡ cước xe chứ tằm lá sắn không có bán ngoài chợ vì nhìn bên ngoài trông giống hệt con sâu, ai không quen thì chỉ cần nhìn đã thấy nổi da gà rồi chưa kể là mua về ăn”, chị Hằng nói.
Tằm lá sắn được mang làm món nướng cùng một số loại thực phẩm khác.
So với các loại côn trùng khác, tằm lá sắn có giá “mềm hơn”, chỉ từ 120-150 nghìn đồng/kg, trong khi đó, chị Hằng phải chi số tiền gấp 2-3 lần để mua nhộng ve sầu hay bọ xít để làm mồi nhậu.
Cũng rất thích ăn món tằm lá sắn rang, anh Lương Văn Thảo, trú tại Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh vừa mua được 1kg tằm với giá 150 nghìn đồng/kg ở chợ chung cư nơi mình ở.
Tằm lá sắn khi còn sống nhìn giống hệt con sâu.
“Mới đầu tôi nhìn ảnh họ bán cứ tưởng chỉ to bằng đầu đũa, ai ngờ khi nhận hàng thì thấy nó to bằng ngón tay người lớn, toàn gai là gai. Nhìn thì sợ nhưng khi rang với thịt ba chỉ thì ai cũng thích nên năm nào cũng phải tìm mua bằng được”, anh Thảo nói.
Theo anh Thảo, vì nhìn hơi “ghê” nên tằm lá sắn cũng kén người ăn, không được bày bán ở các khu chợ truyền thống hay phổ biến trên các chợ online. Muốn ăn phải đặt trước hoặc nhờ mối quen đặt hộ.
“Con tằm có thể chế biến được thành nhiều món, từ luộc, rang, xào hay làm ruốc… Tôi thường luộc qua rồi vớt tằm ra, rang thịt ba chỉ cháy cạnh rồi cho tằm vào đảo đều. Khi thấy con tằm săn lại thì cho thêm lá chanh thái nhỏ rồi thưởng thức. Vừa ngon vừa bổ”, anh Thảo chia sẻ.
Con tằm lá sắn to hơn tằm lá dâu từ 2-3 lần.
Rao bán tằm lá sắn với giá 150 nghìn đồng/kg, chị Nguyễn Thị Thu, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, tằm lá sắn chính thức vào vụ được khoảng 15 ngày. Để có tằm bán cho khách ở Hà Nội, chị phải đặt trước nhiều ngày mới có.
Theo chị Thu, con tằm lá sắn khi trưởng thành to gấp 2-3 lần con tằm ăn lá dâu, toàn thân có gai nhọn. Bình thường, tằm lá sắn có màu trắng nhưng khi tằm chín sẽ có màu vàng tươi, dừng ăn và nhả tơ bao quanh cơ thể để thực hiện quá trình phát triển thành nhộng.
Trong khi đó, con tằm chưa nhả tơ được coi là bổ nhất, chứa nhiều dinh dưỡng nhất. Vì vậy, người nuôi phải canh giờ tằm chín để thu hoạch và bán.
Tằm lá sắn rang.
“Tằm thường dừng ăn và chín vào lúc giữa trưa, sau đó bắt đầu cuốn kén. Vì vậy, tôi thường gom đơn từ trước, khi nào tằm chín thì chỉ việc chuyển tằm từ quê xuống Hà Nội rồi cân và chia đơn cho khách”, chị Thu chia sẻ.
Theo BS Kim Minh, nhộng tằm, tằm chín là những món ăn rất giàu dinh dưỡng, được dân gian dùng làm thuốc bổ, dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, người suy nhược, phụ nữ sau đẻ ít sữa, đàn ông di mộng tinh.
Nhộng tằm rất giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin (như vitamin A, B1, B2, PP, C), khoáng chất (nhất là canxi và photpho). Giá trị dinh dưỡng của nó không thua kém thịt cá.
Theo Đông y, tằm chín vị mặn, bùi béo, thơm, tính ấm, có chất bổ như sâm nhung, được dùng làm thuốc bồi dưỡng thần kinh, ăn ngủ kém, di mộng tinh, hư lao, trẻ em chậm lớn, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa nuôi con, cơ thể suy nhược.