Được quảng cáo tốt cho thận, dạ dày, ruột và thần kinh, chữa được chứng suy nhược, khó ngủ; bổ sung dưỡng chất cho người gầy yếu, trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng; tăng cường sinh lực cho đàn ông… vì vậy, tằm lá sắn nhận được sự chú ý của hàng loạt các chị em với vô số công dụng tốt cho sức khỏe còn hơn cả sâm nhung.
Chị Nguyễn Huyền Trang, trú tại phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết mới mua được 2kg tằm với giá 150.000 đồng/kg về ăn dần. Vì nhìn tằm khi còn sống bò lổm ngổm rất sợ nên chị phải nhờ người bán luộc qua rồi mới chuyển đến.
Tằm lá sắn trở thành đặc sản được rao bán trên chợ mạng với giá đắt hơn thịt lợn.
“Con này là đặc sản đấy, tìm khắp Hà Nội không chợ nào bán đâu, tôi phải đặt hàng trước cả tháng mới mua được 2kg. Nhìn kinh dị vậy thôi nhưng ăn ngon lắm, bùi bùi, dai dai, ngậy ngậy mà nghe nói tốt cho sức khỏe nên tôi mua về cất tủ lạnh ăn dần”, chị Trang nói.
Chị Trang chia sẻ, trước đây chỉ biết người dân nuôi tằm để nhả tơ, dệt lụa chứ không hề biết tằm lại có thể ăn được. Mấy năm gần đây, thấy có người đăng bán nên chị mua về ăn thử, không ngờ lại thấy ngon nên năm nào cũng phải canh mua bằng được.
Tằm rang thịt ba chỉ.
“Tằm mua về tôi chia thành từng túi nhỏ, mỗi túi tầm 300gr rồi cất vào tủ lạnh ăn dần bởi không phải lúc nào cũng có để mua. Con này có thể luộc lá chanh rồi chấm mắm tỏi ớt hoặc rang với thịt ba chỉ đều ngon”, chị Trang cho hay.
Cũng đặt thử 1kg tằm về làm ruốc cho con, chị Đinh Thanh Bình (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, để mua được 1kg tằm, chị Bình phải đăng kí trước cả tuần, mỗi kg có giá 150.000 đồng, thêm 30.000 đồng tiền ship nhưng khi nhận về không khỏi bất ngờ vì nó quá to so với tưởng tượng.
Nhiều người không khỏi “dở khóc dở cười” bởi con tằm lá sắn giống hệt con sâu khoai với chi chít chân và gai.
“Tôi nghe người bán nói đây là con tằm chưa nhả tơ nên có nhiều đạm, rất tốt cho trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng nên mới mua về định làm ruốc cho con. Ai ngờ cầm túi tằm mà sợ phát khiếp, con nào con nấy to như ngón tay, hệt con sâu khoai toàn chân với gai nhưng tiếc tiền nên phải nhắm mắt nhắm mũi mang đi chế biến”, chị Bình nhăn mặt.
Theo chị Bình, làm theo hướng dẫn của người bán, sau khi chần qua nước sôi với lá chanh thái nhỏ và vài hạt muối, chị mang ra rang khô rồi giã làm bột ruốc rắc cơm cho con ăn.
“Tôi để lại một ít rang với mỡ hành mà cả nhà không ai dám động đũa bởi nó quá to. Bữa hôm sau tôi dùng kéo cắt hết chân và gai đi thì mọi người mới dám thử. Công nhận ăn có vị rất lạ, bùi bùi, dai dai nhưng nghĩ đến vẫn sợ”, chị Bình cho hay.
Rao bán tằm lá sắn trên chợ mạng, chị Phan Anh (trú tại Mỹ Đình, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết quê mình ở Phú Thọ, việc nuôi tằm lá sắn làm thực phẩm từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người.
Ngoài làm thực phẩm tươi sống, tằm còn được sấy khô bán làm thuốc.
Chị Phan Anh cho rằng, cây sắn lấy củ để nuôi gia súc, gia cầm còn lá được tận dụng để nuôi tằm lấy thịt. Tằm nuôi bằng lá sắn thường to gấp 2-3 lần tằm nuôi bằng lá dâu, chủ yếu phục vụ cho các quán nhậu, làm thức ăn cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận.
“Là loại thực phẩm rất tốt nhưng kén người ăn bởi không phải ai cũng ăn được nên thi thoảng tôi mới gom 1 chuyến xuống Hà Nội bán. Ai muốn mua phải đặt trước chứ không có sẵn bởi chỉ cần 1 đêm là con tằm nhả tơ, cuốn kén kín mít, sau vài ngày là thành nhộng”, chị Phan Anh nói.
Theo BS Kim Minh, nhộng tằm, tằm chín là những món ăn rất giàu dinh dưỡng, được dân gian dùng làm thuốc bổ, dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, người suy nhược, phụ nữ sau đẻ ít sữa, đàn ông di mộng tinh.
Nhộng tằm rất giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin (như vitamin A, B1, B2, PP, C), khoáng chất (nhất là canxi và photpho). Giá trị dinh dưỡng của nó không thua kém thịt cá.
Theo Đông y, tằm chín vị mặn, bùi béo, thơm, tính ấm, có chất bổ như sâm nhung, được dùng làm thuốc bồi dưỡng thần kinh, ăn ngủ kém, di mộng tinh, hư lao, trẻ em chậm lớn, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa nuôi con, cơ thể suy nhược.