Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 24/9/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018.
Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.
Với bức tranh khả quan chung đó, nhiều ngân hàng đã hồ hởi báo lợi nhuận 9 tháng tăng khá.
Cụ thể, trong khi các ngân hàng khác đều công bố sơ bộ tình hình hoạt động 9 tháng 2019 thì Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ.
Theo đó, 9 tháng 2019, mặc dù chi phí dự phòng của MBB chiếm 2.547 tỷ đồng, tăng 19% nhưng lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức tăng 30% khi đạt 5.748 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, cho vay khách hàng của MBB ở mức 230.142 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu kỳ. Tiền gửi của khách hàng 255.627 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu kỳ.
Lợi nhuận tăng cũng tương ứng với nợ xấu tại thời điểm cuối kỳ của MBB ghi nhận tăng từ 1,22% của đầu kỳ lên 1,35%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 11%, lên mức 1.345 tỷ đồng.
Với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB), 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt tới 17.250 tỷ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85% kế hoạch năm 2019.
Cũng theo Vietcombank, các chỉ số ROAA, ROAE đạt tương ứng là 1,65% và 25,75%, tăng mạnh so với năm 2018 và cao hơn mặt bằng chung.
Tổng huy động vốn 9 tháng của Vietcombank đạt 998.247 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 709.128 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Vietcombank tiếp tục thu hồi 2.862 tỷ đồng nợ ngoại bảng, hoàn thành 82% kế hoạch năm 2019; tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với tổng nợ xấu tiếp tục được nâng lên tới 190%.
Ở nhóm ngân hàng tầm trung, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, TPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đạt 2.404 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ và đạt trên 75% kế hoạch năm.
Tổng huy động của TPBank đạt trên 138.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và hoàn thành 97% kế hoạch mục tiêu.
Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 94% kế hoạch năm.
Tổng thu nhập thuần 9 tháng của Sacombank ở mức 10.861 tỷ đồng, tăng 36%. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.405 tỷ đồng, tăng 34%. Thu dịch vụ đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 21%. Thu kinh doanh ngoại hối 422 tỷ đồng, tăng 35% và thu từ hoạt động khác đạt 845 tỷ đồng, tăng 176%.
Sacombank là một trong những ngân hàng được nới chỉ tiêu tín dụng năm 2019. Tuy nhiên, con số chỉ tiêu cụ thể không được đề cập.
Tính đến 30/9, tổng tài sản Sacombank đạt 450.200 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 408.882 tỷ đồng, tăng 15%, cho vay đạt 290.934 tỷ đồng, tăng 13%.
Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống còn 1,96% nhờ tái cơ cấu danh mục cho vay, kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng.
Theo thông tin cập nhật gần đây nhất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm đã đạt 8.820 tỷ đồng. Với mục tiêu lợi nhuận cả năm tối thiểu 11.000 tỷ, Agribank đã hoàn thành được 80% kế hoạch.
Tính đến 30/8/2019, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.
Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank chiếm 70% dư nợ nền kinh tế (chiếm trên 50% thị phần đầu tư tín dụng đối với thị trường nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam).