Trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Winsan thành lập ngày 25/5/2020, trụ sở đặt tại phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM.
Doanh nghiệp mới thành lập này cũng do ông Phạm Văn Tam giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty.
|
Ông Phạm Văn Tam. |
Tổng số vốn dự kiến của doanh nghiệp là 1.000 tỷ đồng, với mô hình Holding hoạt động đa ngành, đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Không chỉ tập trung đầu tư vào startup điện tử, phần cứng như trước, Winsan có kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát,...
Trước việc ông Phạm Văn Tam lập Công ty mới, dư luận đã đặt câu hỏi: Phải chăng Công ty Winsan nghìn tỷ là “ve sầu Asanzo thoát xác” của CEO Tam?
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Winsan là doanh nghiệp hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu gồm: Đại lý, mô giới, đấu giá hàng hóa; Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính; tư vấn quản lý; Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất...
Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Tam, Winsan sẽ mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, bất động sản công nghiệp...; Đồng thời công ty sẽ góp vốn, mua lại doanh nghiệp hoặc hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ tuyển dụng nhân sự giỏi, chuyên gia đầu ngành để đảm nhận các vị trí cấp cao, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đại diện Asanzo cho biết, cái tên Winsan lấy ý tưởng từ thuật ngữ "win - win" của nghệ thuật kinh doanh hiện đại, kỳ vọng mang thắng lợi đến cho cả hai bên cùng hợp tác. Nguồn lực ban đầu dự kiến 1.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử.
Như vậy, Winsan mang hơi hướng như một công ty quản lý Quỹ, chuyên trách thực hiện việc quản lý các quỹ đầu tư. Thông qua việc đầu tư theo danh mục để làm gia tăng giá trị của quỹ đầu tư.
Đối chiếu với lĩnh vực hoạt động của Winsan, Asanzo hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, chỉ tập trung vào startup điện tử, phần cứng, điện máy, điện lạnh, điện gia dụng cho thị trường Việt Nam.
Cũng theo ông Tam, bản chất ông vẫn là chủ của Asanzo. Tuy nhiên, trên pháp luật thì ông không điều hành mà chỉ là nhà đầu tư. Bản chất Asanzo sau này chỉ là một nhãn hàng, không phải là một tập đoàn đa ngành. Còn Winsan không phải tên một nhãn hàng mà là tên của một tổ chức quản lý. Winsan sẽ quản lý Asanzo. Đây là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Trước đó, tháng 6/2019, khi thông tin Tập đoàn đoàn Asanzo của CEO Tam vướng vào nghi vấn dán mác "xuất xứ Việt Nam" lên các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc đã khiến dư luận vô cùng ngỡ ngàng.
Thế nhưng, sau hơn một năm làm việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) gần đây đã công bố rằng việc gắn mác "sản xuất tại Việt Nam" đối với hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo là phù hợp quy định và chưa có căn cứ xác định doanh nghiệp này "lừa dối khách hàng".