Trước diễn biến giá cổ phiếu HDC liên tục lao dốc, ban lãnh đạo Công ty Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) vừa đưa ra quyết định sẽ dùng nguồn vốn cổ phần thặng dư để mua vào cổ phiếu nhằm bình ổn giá thị trường.
Công ty bất động sản này dự kiến mua tối đa 3 triệu cổ phiếu quỹ trong quý III với đơn giá không quá 40.000 đồng, (tức cao hơn 30% so với thị giá trên sàn), tương ứng số tiền chi không quá 120 tỷ đồng. Đây là một trong những đơn vị đang tích cực "cứu" giá cổ phiếu đang lao dốc.
Do cung cầu thị trường
Hành động mua cổ phiếu quỹ để bình ổn giá được thông báo ngay sau khi mã HDC có chuỗi 8 phiên giảm điểm liên tiếp (trong đó 6 phiên sàn) về mức 29.750 đồng vào cuối ngày 21/6. Đây là vùng giá thấp nhất trong vòng một năm và so với đỉnh lịch sử thì mất gần 70% giá trị.
Hodeco lý giải biến động trên là do cung cầu thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát. Công ty vẫn hoạt động bình thường, các dự án triển khai đúng tiến độ và hoàn thành đúng kế hoạch, không có biến động xấu đến chứng khoán.
|
Nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo muốn mua cổ phiếu để bình ổn giá. Ảnh: Nam Khánh.
|
Ngay sau đưa thông điệp từ phía doanh nghiệp thì cổ phiếu HDC đã tăng vọt lên mức trần các phiên 22-23/6 lên mức 34.000 đồng. Tạm tính số tiền mua cổ phiếu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Một doanh nghiệp bất động sản lớn khác là DIC Corp (DIG) cũng lên tiếng khi cổ phiếu lao dốc dữ dội. Mã chứng khoán này giảm 9 phiên liên tiếp (trong đó có 6 phiên giảm sàn) về 31.500 đồng vào ngày 21/6, mất hơn 70% so với đỉnh lịch sử.
Chủ tịch DIC Corp cho rằng tiềm lực của công ty chưa được phản ánh đúng do xu hướng tiêu cực chung của thị trường. Thị trường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô quốc tế và các chính sách siết chặt tín dụng bất động sản trong nước.
"Cơ cấu cổ đông DIC Corp không có diễn biến bất thường. Việc cổ phiếu DIG giảm liên tiếp là do ảnh hưởng thông tin tiêu cực chung của nền kinh tế và nhu cầu cung cầu trên thị trường", Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn nêu.
Vị lãnh đạo nhấn mạnh các ảnh hưởng của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn đến thị giá và sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng phát triển dài hạn của DIC Corp. Công ty vẫn sẽ giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.900 tỷ đồng và đang tìm thêm những giải pháp để có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch 2022.
Không chỉ giải trình cho cổ đông, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường cũng nhanh chóng đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu DIG nhằm tăng sở hữu lên 12,3% vốn. Thời gian thực hiện từ 30/6 đến 29/7.
Những thông tin tích cực giúp cổ phiếu DIG có 2 phiên quay đầu ấn tượng, tăng trần liên tiếp lên 36.050 đồng vào cuối phiên 23/6. Theo đó lãnh đạo công ty dự kiến chi số tiền khoảng 360 tỷ đồng để gom cổ phần.
Loạt cổ phiếu bật tăng
Việc thị giá cổ phiếu rơi về vùng đáy tạo điều kiện cho nhiều lãnh đạo nhìn nhận lại giá trị doanh nghiệp và triển vọng kinh doanh, để từ đó ra tay cứu giá cổ phiếu.
Trong văn bản mới nhất, Chủ tịch công ty Clever Group (ADG) Nguyễn Khánh Trình đăng ký mua 100.000 cổ phiếu ADG theo phương thức khớp lệnh, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên mức mới 26,23% vốn. Thời gian thực hiện từ 28/6 đến 27/7.
Người đứng đầu Clever Group nêu rõ mục đích giao dịch là "giá rẻ nên mua thêm". Trước đó ADG có chuỗi lao dốc 30% kể từ đầu năm về 36.400 đồng, trước khi bật tăng trở lại sau tin lãnh đạo mua mới.
|
Loạt cổ phiếu bật tăng sau thông tin lãnh đạo muốn mua thêm cổ phần. Đồ thị: TradingView.
|
Ông Lê Viết Hải - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) - vừa thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC, trong thời gian 23/6 đến 22/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Lãnh đạo tập đoàn xây dựng cho biết giao dịch đầu tư này nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường. Thực tế giá HBC gần đây lao dốc về 15.450 đồng (ngày 20/6), tức mất hơn phân nửa giá trị so với vùng đỉnh đầu năm 2022.
Sau thông tin lãnh đạo muốn đỡ giá thì mã HBC trong 3 phiên gần nhất đã bứt phá đến 13% lên vùng 17.450 đồng. Tạm tính với thị giá đó, số tiền ông Hải phải chi ra trong đợt này vào khoảng 175 tỷ đồng.
Hay trước đó ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Công ty Đầu tư LDG (LDG) - cũng đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu từ ngày 22/6 đến 21/7. Giao dịch dự kiến giúp ông Hưng tăng tỷ lệ sở hữu lên 12,13% vốn.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu LDG đã bị giảm hơn 73% xuống còn 7.250 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 21/6. Tuy nhiên, thông tin tích cực giúp mã này nhảy vọt 14% lên 8.200 đồng, tạm tính số tiền ông Hưng cần chi là hơn 16 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG), Tổng giám đốc Đinh Thị Nhật Hạnh đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu để tăng tổng nắm giữ lên 5,45 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,23%), thời gian thực hiện trong khoảng 22/6-22/7.
Vị CEO muốn gom cổ phần trong bối cảnh mã này có chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp về 6.150 đồng, thấp hơn 60% so với đỉnh lịch sử. Tuy nhiên mã này đã bật tăng 13% chỉ trong 2 phiên gần nhất lên 6.920 đồng.
Thêm nữa, Chứng khoán VIX cũng vừa đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu Tập đoàn Gelex (GEX) trong thời gian 24/6 đến 22/7. Đây là công ty chứng khoán có liên quan đến CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn, nhóm này sau giao dịch có thể tăng sở hữu lên gần 42% vốn Gelex.
Song song đó, bà Nguyễn Bích Hà - con gái Chủ tịch Gelex Nguyễn Hoa Cương - cũng đăng ký mua 850.000 cổ phiếu GEX trong thời gian tương tự.
Trước khi có thông tin giao dịch, cổ phiếu GEX liên tục rớt giá từ mức đỉnh 49.400 đồng về 17.200 đồng (21/6), tức mất hơn 65% giá trị. Tuy nhiên mã này trong 2 phiên gần nhất cũng đi lên mạnh mẽ 12% đạt 19.200 đồng, theo đó tổng số tiền mà VIX và bà Hà dự chi hơn 300 tỷ đồng.
Một số giao dịch đáng chú ý khác như Phó tổng giám đốc Everland Lê Đình Tuấn muốn gom 5 triệu cổ phiếu EVG đã giúp mã này tăng 12% sau chuỗi 7 phiên lao dốc. Hay ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch Công ty Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát muốn mua thêm 1 triệu cổ phiếu VPG đã giúp mã này thoát chuỗi 10 phiên giảm liên tiếp.