Rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có dấu hiệu tăng dần nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua vào ở nhóm cổ phiếu này.
VN-Index có thể sẽ cần test lại hỗ trợ 1.470-1.475 điểm
Thị trường chứng khoán giảm nhẹ trong phiên 2/12 với thanh khoản tiếp tục suy giảm. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, VN-Index giảm 3,14 điểm (-0,21%) xuống 1.482,05 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tiêu cực với 234 mã tăng, 38 mã tham chiếu, 268 mã giảm. HNX-Index tăng 2,42 điểm (+0,53%) lên 458,23 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 178 mã tăng, 47 mã tham chiếu, 102 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 870 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 25.135 tỷ đồng.
Thị trường tăng điểm trong phần lớn thời gian nhưng áp lực bán gia tăng từ khoảng 14h trở đi khiến VN-Index và VN30 kết phiên ở mức thấp nhất. Hai trụ cột thị trường là VIC (+1,1%) và VCB (+0,1%) đều bị bán và thu hẹp đáng kể mức tăng trước đó là nguyên nhân chính khiến sắc xanh không còn được duy trì. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực bán khiến nhiều mã điều chỉnh đồng loạt giảm cũng gây thêm áp lực lên thị trường. Các nhóm ngành chứng khoán, thép, cao su.. đều chìm trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, VN-Index giảm 3,14 điểm xuống 1.482,05 điểm
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu Midcap và Penny thu hút được dòng tiền và đi ngược thị trường như: ROS (+1,8%), HQC (+3,3%), HAG (+1,1%), HNG (+1,2%), KBC (+2,4%), DLG (+7%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với phiên giảm nhẹ này thì VN-Index vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.470-1.475 điểm (MA20) nên xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa có gì thay đổi và khả năng hướng đến ngưỡng 1.500 điểm trong các phiên tới là có thể xảy ra. Dự báo, trong phiên giao dịch hôm nay 3/12, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm.
“Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì VN-Index có thể sẽ cần test lại hỗ trợ 1.470-1.475 điểm (MA20) và xa hơn là hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và mua thêm khi thị trường test hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm đã chốt lời một phần danh mục trong tuần trước nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải trong giai đoạn hiện tại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu tăng dần
Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), chỉ số VN-Index có thể sẽ còn giằng co và biến động quanh ngưỡng 1.480 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 3/12. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy nên dòng tiền sẽ vẫn còn suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có dấu hiệu tăng dần cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua vào ở nhóm cổ phiếu này.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên duy trì nắm giữ và cơ cấu lại danh mục để đưa tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40 – 45% danh mục. Đồng thời, các vị thế mua mới chỉ nên dành tỷ trọng thấp”, chuyên gia của YSVN nhận định.
Ông Lê Văn Thành, chuyên viên phân tích Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho rằng, thanh khoản tiếp tục có phiên suy giảm thứ 2 liên tiếp, cộng với chỉ số VN-Index dao động nhẹ đang cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Áp lực bán không quá mạnh, nhưng lực mua cũng ở mức vừa phải đang đẩy chỉ số VN-Index rơi vào xu hướng sideway trong mấy phiên trở lại đây.
“Khi thanh khoản chưa bùng nổ thì xu hướng này có khả năng cao sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong các phiên tới”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, thanh khoản sụt giảm với xu hướng đi ngang nhưng trên thị trường vẫn có khá nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản – xây dựng hay vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công nên vẫn tiếp tục tăng giá.
“Kỳ vọng về nhóm cổ phiếu này vẫn còn dư địa khá lớn. Vì vậy, đối với dòng cổ phiếu này ưu tiên nắm một phần tỷ trọng. Còn về xu hướng chung, nhà đầu tư đứng ngoài quan sát vẫn là ưu tiên lớn nhất hiện nay. Cần kiên nhẫn chờ thêm những tín hiệu tích cực hơn, để có cơ sở thuận lợi cho việc giải ngân”, ông Thành khuyến nghị.