Bỏ giao thông, học trồng nấm sạch
Năm 1994, anh Triệu Quang Trung đỗ ngành chế tạo máy của trường đại học Giao thông vận tải. Học đến năm thứ hai, anh được một người quen chia sẻ về làm nấm vi sinh công nghệ cao. Như khơi dậy niềm đam mê về các loại nấm, anh Trung quyết định bỏ học.
Sau khi tìm hiểu, tháng 9/1994, anh rẽ hướng sang học hệ thực tập sinh 4 năm tại Hàn Quốc chuyên ngành vi sinh, nấm ăn, nấm dược liệu thuộc khoa Vi sinh, trường đại học Konkuk (Hàn Quốc). Anh nói: “Khi đó, tôi nghĩ khoảng 10 - 15 năm sau, ngành nấm vi sinh công nghệ cao sẽ rất phát triển, nên bản thân quyết định đầu tư vào học”.
Thời gian đầu đặt chân đến xứ lạ, do tiếng Hàn chưa thành thạo nên mọi giao tiếp anh phải cố gắng thực hiện bằng tiếng Anh. Vừa phải lo bắt nhịp được việc học, vừa phải làm thêm để có tiền trang trải nên cuộc sống khi đó khá vất vả.
Khi tốt nghiệp, do giáo sư dạy học giới thiệu, anh Trung được mời làm việc tại trung tâm Nghiên cứu nấm tỉnh Kyungito với mức lương khá, điều kiện làm việc tốt.
Quá trình học tập và làm việc tại đây, nhận thấy nghề trồng nấm tại xứ sở Kim chi rất phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn bởi nấm là thực phẩm sạch, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Đó cũng là lúc, ý chí thôi thúc anh phải về nước để gây dựng một nhà máy sản xuất nấm sạch quy mô công nghiệp như Hàn Quốc để phục vụ người dân Việt.
Anh Triệu Quang Trung kiểm tra sự phát triển của nấm tại nhà máy.
Thất bại, thiệt hại khôn lường
Những ngày đầu trở về nước chính là những ngày đầy trăn trở, khi đi thăm các siêu thị lớn và các chợ dân sinh ở đất nước mình, anh nhìn thấy cả thị trường Việt Nam chưa có một cơ sở nào sản xuất, nuôi trồng nấm sạch.
Ý nghĩ táo bạo với số vốn đầu tư khổng lồ đeo đẳng, anh Trung quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình. Đến năm 2014, tích cóp được 26 tỷ đồng, anh bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất nấm theo công nghệ Hàn Quốc với quy trình khép kín, diện tích 2.400 m2 ở thôn Thanh Sơn (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội).
Anh Trung chia sẻ, so với những mô hình sản xuất nấm truyền thống, nấm sản xuất theo phương thức công nghiệp cho sản lượng và chất lượng đồng đều hơn. Bởi quy trình sản xuất được xây dựng hoàn toàn khép kín, từ công đoạn trộn, ủ nguyên liệu, cấy giống, ươm sợi tới nuôi trồng và thu hoạch.
Nấm được chăm sóc, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, không bị chi phối bởi yếu tố nhiệt độ, thời tiết, không sâu bệnh,… chỉ cần duy trì môi trường nhân tạo ở nhiệt độ 18 - 20 độ C, phun sương tạo độ ẩm 85 - 90%.
Mỗi mẻ nấm gồm có 5 giai đoạn rất kỳ công: Chuẩn bị nguyên liệu, trộn nguyên liệu; hấp thanh trùng; cấy giống; đưa vào ngâm sợi; đưa ra nuôi trồng. Trong đó, khâu đầu tiên là quan trọng nhất, quyết định 90% sự thành công của một mẻ nấm. Đối với nấm ăn loại ngắn ngày, từ lúc cấy giống đến khi thu hoạch là 45 ngày, loại dài ngày nhất là 100 ngày.
Khoảng thời gian đầu, khó khăn cứ thế bủa vây. Hai năm đầu, anh cảm thấy thất vọng, gần như rơi vào khủng hoảng vì quá trình sản xuất bị hỏng, nấm mốc toàn bộ. “Lúc đó, thiệt hại mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng, tôi tự đặt ra nhiều dấu hỏi, nguyên nhân từ đâu khiến nấm không đạt được như kỳ vọng, tôi xem xét lại toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào như mùn cưa, cám gạo, lõi ngô, hạt bông… từ độ ẩm đến cách bảo quản.
Nhà máy hiện cung cấp khoảng 350 tấn nấm/năm, cho doanh thu từ 30-35 tỷ.
Khoảng thời gian đó, người thân trong gia đình thấy tôi ngày ngày cặm cụi làm ở nhà máy đến mất ăn mất ngủ, cũng khuyên nhủ đổi hướng vì thấy vất vả mà lại không có nguồn thu. Nhiều khi thất vọng, nhưng lại nghĩ mình đã dồn tất cả tâm huyết, công sức, vốn liếng vào nhà máy rồi, giờ không thể bỏ nên quyết tâm làm bằng được. Lúc đó, nếu thất bại sẽ là điều rất khủng khiếp”, anh Trung nhớ lại.
Sau bao nỗ lực, khi những mẻ nấm sạch đầu tiên ra đời, anh vui mừng lắm. Đó cũng là lúc, đích thân anh mang từng cây đi giới thiệu, trưng bày ở các đại lý, siêu thị, nhà hàng, khu chung cư. Anh nói: “Ban đầu, nhìn những cây nấm đùi gà, nấm sò yến, nấm ngọc châm to trắng, mập mạp, nhiều người sợ không dám ăn vì nghĩ là nấm độc. Cho dùng thử, tặng miễn phí nhưng họ không nhận”.
Thua keo này, bày keo khác, để thuyết phục mọi người, anh đã phải mang cả những lọ nấm để nguyên trong khay chưa thu hái cho người mua thấy trực tiếp. Khi ăn thử, một số người thấy ngon, người này truyền miệng người kia nên dần dần lượng khách đến với anh ngày một đông.
Tiền tỷ hoan hỉ đổ về
Nhờ tìm được nguồn nguyên liệu ổn định, đạt tiêu chuẩn về độ ẩm, chất lượng nên những mẻ nấm sau này cho tỉ lệ thành công 95%. Năm 2017, anh Trung mở rộng diện tích nhà xưởng lên 3.600 m2, tiếp tục phát triển. Sản xuất dần đi vào ổn định, lượng khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm nấm ngày một tăng. Hiện tại, xưởng sản xuất mở rộng lên 4.500 m2, ngoài ra, anh còn hợp tác với một số tập đoàn lớn, các công ty về thực phẩm và mở rộng nhà máy sản xuất nấm ở Bắc Ninh (khoảng 2 ha).
“Từ tháng Mười đến tháng Ba năm sau là thời điểm nấm tiêu thụ mạnh nhất, khách không đặt sớm là cháy hàng. Ngoài bán lẻ, tôi còn còn cung cấp cho các đại lý, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng ở nhiều tỉnh thành. Những năm gần đây, trang trại nấm cho doanh thu từ 30 - 35 tỷ đồng/năm. Tôi luôn tâm niệm, phải làm nghề bằng cái tâm, luôn đặt chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh lên hàng đầu vì đó là yếu tố quyết định thành công về lâu dài”, anh Trung nói.
Mỗi khi chia sẻ, gương mặt anh Triệu Quang Trung toát lên ý chí quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ để theo đuổi niềm đam mê về một mô hình sản xuất nấm hữu cơ hiện đại. Quan trọng hơn cả, nhà máy của anh đã cho ra những cây nấm sạch, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Với những thành quả đạt được, anh Triệu Quang Trung đã được xứng tên trong danh sách “63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”. Xưởng sản xuất nuôi trồng chủ yếu 4 loại nấm gồm: Sò yến, đùi gà, ngọc châm và linh chi, với sản lượng hơn 1 tấn/ngày, giúp tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 15 nhân công, cùng khoảng 15 lao động thời vụ ở địa phương.