Kể từ đầu năm đến nay, sau những đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tại các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm mạnh từ 1-2,5 điểm % so với thời điểm cuối tháng 11/2022, hiện về mặt bằng mới dưới 8%/năm.
Như Techcombank, ngày 22/11 năm ngoái lãi suất tiền gửi tối đa lên 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP1 gửi mới, với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Đối với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7-9,1%/năm tùy theo số tiền gửi. Các kỳ hạn 6-11 tháng được áp dụng lãi suất cao nhất tới 9%/năm, dành cho khách hàng VIP1 gửi mới với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng. Với khách hàng thường, mức lãi suất áp dụng từ 8,4-8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.
Tuy nhiên, đến nay Techcombank niêm yết biểu lãi suất gửi online và tại quầy tương đương nhau, cao nhất ở mức 7,15%/năm kỳ hạn 6-36 tháng áp dụng với khách hàng Private/VIP 1 và khách hàng ưu tiên gửi từ 3 tỷ đồng trở lên; khách hàng hội viên và khách hàng thường có khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên nhận lãi suất lần lượt 7,1%/năm và 7%/năm.
|
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục giảm - Ảnh minh họa, nguồn: vtv.vn |
Với SCB vào ngày 28/11 năm ngoái, chấp nhận trả lãi suất tiền gửi vượt mốc 10%/năm cho hình thức online kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn còn lại từ 6-11 tháng người gửi nhận lãi suất tới 9,9%/năm.
Còn với hình thức gửi tại quầy, SCB đưa lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên 9,95%/năm, chấp nhận mức lãi suất 7,8-8,3%/năm kỳ hạn 6-11 tháng và 9,6%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại (ngày 8/6), với hình thức gửi online mức lãi suất tại các kỳ hạn dài đã được SCB điều chỉnh về vùng thấp dưới 7,5%/năm.
Mức giảm tương tự cũng đang được ghi nhận với hình thức gửi tại quầy của SCB khi nhà băng này niêm yết lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6-11 tháng ở mức 7,1-7,3%/năm; 12 tháng ở mức 7,4%/năm và trên 12 tháng nhận lãi suất chỉ 7,2%/năm.
Hiện nay hàng loạt ngân hàng công bố lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài dưới 8%/năm như: ACB; PGBank; MSB; SHB; Eximbank; HDBank; LPBank; MB; KienlongBank; NamABank; VietBank; VPBank; TPBank; Sacombank; DongABank và nhóm ngân hàng quốc doanh (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank).
Theo khảo sát mới đây của Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống sẽ tiếp tục giảm nhẹ 0,08 - 0,1 % trong quý II và giảm thêm 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023. Kết quả này trái ngược so với dự đoán tăng của kỳ khảo sát trước đó, cho thấy chính các ngân hàng cũng đang tự điều chỉnh mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên chỉ giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ phục hồi sản xuất, cần có thêm những chính sách hỗ trợ đồng bộ khác.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động do đang dư thừa thanh khoản. Huy động vốn nhiều nhưng không cho vay ra được vì lãi cao, doanh nghiệp khó kiếm đơn hàng, khách hàng cá nhân cũng không dám vay để chi tiêu hay đầu tư. Và đây là một trong những yếu tố tạo sức ép để lãi suất cho vay phải giảm mạnh trong thời gian tới.
"Doanh nghiệp khó khăn, việc hạ lãi suất huy động lẫn cho vay là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế mà cho cả chính ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng cũng làm đúng vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và là cộng sinh với doanh nghiệp", ông Thịnh nói.