Trước kỳ nghỉ lễ 2-9, anh L.Q (ngụ quận 3, TP HCM) lên Facebook thấy tài khoản Nam Anh English quảng cáo bán chiếc tai nghe không dây giống hệt chiếc Airpods 2 của Apple (giá chính thức hơn 4 triệu đồng) với giá chỉ 250.000 đồng bao gồm cả phí giao hàng nên không ngần ngại đặt mua.
Khi shipper (người giao hàng) giao tới, món hàng được gói khá kỹ lưỡng, nguyên đai nguyên kiện nhưng mở ra bên trong chỉ là một cặp tai có dây, giá thị trường chỉ khoảng 30.000 đồng, hoàn toàn không giống với hình ảnh và mô tả trên Facebook.
Ngay lập tức, anh Q. liên lạc theo số điện thoại được ghi trên gói hàng thì nhận được câu trả lời "sẽ kiểm tra lại", sau đó thì không thể liên lạc được nữa.
Tìm hiểu thông tin từ các group bán hàng, anh Q. mới té ngửa vì mình không phải trường hợp duy nhất mua nhầm hàng dỏm ở shop Nam Anh English. Chị Q.M ở quận 8 cũng bị ngay chính trường hợp này, khi đặt mua 1 bộ tai nghe từ tài khoản trên.
|
Quảng cáo từ tài khoản. |
|
Và mặt hàng nhận được. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng mua bán hàng dỏm, giả, nhái đang tràn ngập trên các mạng xã hội nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc để kiểm soát hoặc xử lý. Như trường hợp anh N.L cũng ở TP HCM đặt mua chiếc sim 4G Viettel có dung lượng data cao với giá 200.000 đồng nhưng khi nhận được là một chiếc sim trắng, hết hạn sử dụng. Người bán thì không liên lạc được.
Theo các chuyên gia công nghệ, việc đánh vào tâm lý sính mua hàng rẻ hay hàng độc giá mềm của nhiều người sau một thời gian yên ắng đang bùng phát trở lại. Chiêu "treo đầu dê bán thịt chó" của những gian thương này là rao bán những món hàng hiệu với giá thấp, để khi người tiêu dùng "dính chưởng" cũng dễ cho qua vì ngại kiện tụng, mất nhiều thời gian nhưng chưa chắc lấy lại được tiền.
Trước tình trạng này, những nhà bán hàng uy tín khuyến cáo khách hàng nên kiểm tra kỹ người bán trước khi đặt hàng, kiểm tra kỹ khi nhận hàng. Ngoài ra, việc mua bán hàng kém chất lượng qua mạng cũng đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện truyền thông khá nhiều trong thời gian qua.