Cụ thể, từ ngày 3/2 khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.
Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.
"Khung giá bán lẻ điện bình quân" là mức sàn và trần để Chính phủ quy định cứng "giá bán lẻ điện bình quân". Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
Còn giá bán lẻ điện bình quân hiện vẫn là 1.864,44 đồng một kWh, áp dụng từ 2019 đến nay.
Liên quan giá điện, Bộ Công Thương cũng vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương hoàn thành phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN tập trung nguồn lực để hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, đồng thời làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín để kiểm toán các báo cáo theo đúng quy định.
Trong khi đó, EVN cho biết ước tính năm 2022, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng hơn 28.876 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.
Năm nay, Công ty mẹ EVN, các Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng.
Như vậy, cùng với số lỗ của năm 2022 (28.876 tỷ đồng) thì tổng lỗ sản xuất kinh doanh EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 có thể lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.
Năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được thông qua.