Xem xét sửa đổi Nghị định số 132
Cụ thể, bà Tô Kim Phượng - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Thuế cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết (Nghị định số 132) trong quý IV.
Bà Phượng thông tin, việc khống chế chi phí lãi vay đối với DN có giao dịch liên kết nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của OECD về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10 - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.
|
Bà Tô Kim Phượng - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Thuế |
Nghị định số 132 quy định, chi phí lãi vay theo mức cao nhất 30% phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế triển khai Nghị định số 132, việc khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp DN vay ngân hàng thời gian qua nhiều DN có kiến nghị bỏ quy định này.
Qua ý kiến phản ánh của DN, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, rà soát, thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là hoạt động thường xuyên và phổ biến. Trên cơ sở kiến nghị của DN, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi trên cơ sở kiến nghị của DN.
DN có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết như cho thuê, mượn, vay tài sản hữu hình, tài sản vô hình... thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132 để tránh việc sắp xếp làm thay đổi thu nhập tính thuế.
Các DN không có quan hệ liên kết, độc lập với nhau có phát sinh các giao dịch cho mượn kho, trang thiết bị, hay là đào tạo nhân lực không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132 và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.
Chuyên gia nói gì?
Liên quan đến Nghị định số 132, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa qua đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét sửa đổi và bổ sung một số quy định của nghị định này.
HoREA nhận định khoản 3 Điều 16 Nghị định 132 (chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá mức 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ) đã giúp tháo gỡ phần nào về các bất cập và vướng mắc của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP trong việc xác định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu thập doanh nghiệp, thu thập chịu thuế.
Thế nhưng, HoREA kiến nghị, không nên và không cần khống chế trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo lợi nhuận nhằm phản ánh kịp thời và trung thực hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với giao dịch có hành vi kê khống, chuyển giá, nhằm trốn lậu thuế, HoREA kiến nghị cơ quan nhà nước tăng giám sát và xử lý nghiêm ngặt. Hiệp hội cho biết chỉ nên khống chế mức trần lãi vay này đối với đơn vị nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ở giai đoạn hiện nay.
Theo một số chuyên gia, Nghị định 132 nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế, phù hợp để quản lý các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Bởi, các doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn để trốn thuế. Còn doanh nghiệp trong nước dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần loại trừ tất cả chi phí lãi vay mà hợp lý, hợp lệ cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, Hội Tư vấn thuế cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 132 cần làm rõ các trường hợp được cho là có giao dịch liên kết, tránh để chung chung, khó hiểu như hiện nay.
Đối với một số doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá, theo các chuyên gia, ngành thuế hoàn toàn có công cụ để thanh tra, kiểm tra và xử lý. Không thể chỉ vì một số doanh nghiệp sai phạm mà kìm hãm nhu cầu vay vốn chính đáng của tất cả doanh nghiệp còn lại.