Một trong những nguyên liệu phối trộn xăng E5 là ethanol (E100), một loại cồn sinh học được sản xuất từ sắn. Tuy nhiên, giá sắn đã liên tục tăng cao, gấp 1,5 lần trong suốt 10 tháng qua.
Để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu và bảo vệ môi trường, nhiều nước trên thế giới đã pha cồn sinh học (còn gọi là ethanol) vào xăng. Nếu tỷ lệ pha trộn là 5% ethanol với 95% xăng khoáng thì sẽ được nhiên liệu xăng E5. Còn nếu pha trộn 10% ethanol với 90% xăng khoáng thì sẽ được nhiên liệu xăng E10.
Chính vì vậy, trên thế giới còn nhiều loại xăng sinh học khác như E25, E85, thậm chí ở Brazil còn có nhiên liệu xăng E100 (tức là ethanol hoàn toàn 100%).
|
Với đề xuất bỏ bán xăng RON95, cần phải có thời gian, lộ trình thích hợp. |
Ethanol (E100) còn được gọi là cồn sinh học, có tính cháy sinh nhiệt như xăng. Ở Việt Nam, E100 chủ yếu được sản xuất từ sắn, và chỉ duy nhất một công ty sản xuất nhiên liệu này là Công ty TNHH Tùng Lâm.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng giám đốc Công ty Tùng Lâm, trong 10 tháng (từ tháng 6/2017 đến 15/4/2018), giá sắn đã tăng gấp 1,5 lần, từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng/kg, kéo theo giá E100 tăng theo.
Ông Chỉnh cũng khẳng định, việc tăng giá E100 là "bắt buộc", không phải vì lý do công ty này độc quyền sản xuất E100.
"Trong việc tăng giá thu mua nguyên liệu sắn, người được hưởng lợi nhiều nhất là nông dân nên tôi mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản xuất E100 trong nước thay vì nhập khẩu cồn từ nước ngoài", ông Vũ Kiên Chỉnh cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ngay sau đó đã yêu cầu Công ty Tùng Lâm phải giảm tối đa, hợp lý chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm E100 cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, để từ đó ra sản phẩm xăng sinh học E5 có sức cạnh tranh, hấp dẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên trong bối cảnh một số doanh nghiệp xăng dầu đề xuất bỏ xăng RON95 và chỉ bán xăng E5 trên thị trường, nhiều người đã lo ngại về việc xăng E5 độc quyền, tăng giá.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu chỉ có một công ty độc quyền sản xuất ethanol tại Việt Nam thì có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền, đẩy giá ethanol lên cao và giá xăng E5 cũng có thể tăng theo.
"Tuy nhiên, dù giá sắn của người nông dân tăng lên thì cũng không kéo giá xăng E5 lên mức quá cao. Vấn đề quan trọng ở đây là cần phải tạo được sự cạnh tranh trong việc cung cấp nguyên liệu ethanol cho các doanh nghiệp xăng dầu, để không xảy ra tình trạng ép giá, độc quyền ethanol", ông Thỏa nói.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng, đối với đề xuất bỏ bán xăng RON 95 như ý kiến của một số doanh nghiệp là không ổn, cần phải có thời gian, lộ trình và điều kiện đầy đủ để chuyển dần dần.
Bởi thực tế trên thế giới đã có gần 60 nước sử dụng xăng nhiên liệu sinh học nhưng vẫn cho người dân được sử dụng các loại xăng khác nhau, chứ chưa có nước nào bắt người dân sử dụng xăng sinh học hoàn toàn.
"Về lâu dài, cần thiết phải xem xét chuyển sang sử dụng xăng sinh học E5, vì nó có một số lợi ích như thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy nông nghiệp ở những địa phương có lợi thế trồng sắn, giải quyết công việc cho nhiều người, tăng sản lượng chế biến chứ không phải chỉ xuất khô sắn lát như hiện nay.
Bên cạnh đó, xăng E5 cũng là nhiên liệu thay thế cho xăng khoáng, một nguồn tài nguyên không thể tái tạo được mà sẽ mất dần đi. Nếu làm tốt về chất lượng, giá thành thì chi phí sẽ giảm đi, do xăng E5 rẻ hơn xăng khoáng. Tuy nhiên, cần phải chuyển dần, phải tôn trọng ý kiến của người tiêu dùng, chứ không chỉ doanh nghiệp nói rồi các cơ quan nhà nước quyết luôn mà không tôn trọng người dân là không được", ông Thỏa nói.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế nếu chỉ bán xăng sinh học như, chưa có bất cứ đánh giá nào mang tính khoa học và thực tiễn về việc sử dụng xăng E5.
"Kể cả chuyển từ xăng RON 95 sang xăng sinh học thì tác dụng tích cực, hạn chế đến các loại động cơ sử dụng nhiên liệu, đặc biệt là những loại mà nhà sản xuất khuyến cáo nên sử dụng RON95 sẽ như thế nào?
Niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm xăng sinh học hiện nay vẫn còn rất thấp. Các chính sách về khuyến khích tiêu dùng, định hướng tiêu dùng vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với thị trường.
Và cuối cùng, nguồn lực để thực hiện việc chuyển đổi cả về nguyên liệu sản xuất ethanol, cả hạ tầng kinh doanh xăng dầu vẫn chưa thể đáp ứng được, nên việc các doanh nghiệp đề nghị không theo lộ trình nào cả là vấn đề bất cập đối với thị trường và người tiêu dùng", ông Thỏa nói với VnEconomy.