Vẫn nhiều băn khoăn về việc “thả nổi” giá xăng A95

Google News

Khá nhiều ý kiến băn khoăn trước quyết định cho rằng xăng A95 là “mặt hàng không phổ biến” và cho phép doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối tự định giá, công bố giá bán trên từng vùng.

Cụ thể, tại kỳ điều hành giá gần nhất (ngày 4.1), cơ quan quản lý chỉ công bố giá cơ sở, giá bán lẻ tối đa mặt hàng xăng E5 RON 92 và các mặt hàng dầu mà không cập nhật giá (cơ sở, giá điều hành bán lẻ tối đa) xăng RON 95 - loại xăng khoáng duy nhất còn lại trên thị trường sau khi xăng RON 92 chính thức bị thay thế từ 1.1.2018.
Xăng A95 là “hàng cao cấp” nên DN tự quyết?
Lý giải việc không đưa mặt hàng xăng A95 vào danh sách các mặt hàng xăng dầu phải công bố giá cơ sở, một đại diện Bộ Công thương cho rằng, đây là “mặt hàng không phổ biến” và trước nay chỉ điều hành giá bán lẻ các mặt hàng phổ thông như xăng RON 92, các loại dầu và sau này là xăng sinh học E5 nhằm khuyến khích người dân sử dụng. Do vậy, việc không cập nhật giá (cơ sở, giá điều hành bán lẻ tối đa) xăng RON 95 cũng không có gì bất thường.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Petrolimex thì cho hay, lâu nay liên Bộ Công thương - Tài chính không điều hành giá xăng RON 95 vì đây là mặt hàng cao cấp. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tự quyết theo cơ chế thị trường có sự giám sát của liên Bộ.
Trước những ý kiến của Bộ Công thương và các DN kinh doanh xăng dầu đầu ngành, nhiều người dân cho rằng, hiện nay trên thị trường chỉ còn hai loại xăng là E5 và A95. Việc để các doanh nghiệp (DN) tự định giá xăng A95 có phải là để “bắt chẹt” người dân phải sử dụng xăng E5? Liệu có xảy ra chuyện làm giá xăng A95 nếu DN được tự định giá?
Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế, Luật sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tín, việc thả nổi giá xăng A95 một mặt có ưu điểm sẽ theo được cơ chế giá xăng thị trường, nhưng mặt khác lại lo sẽ đẩy lạm phát năm 2018 tăng lên, thậm chí trên 4% nếu như cơ chế xăng để cho các DN tự quyết. Tất nhiên, khi để các DN tự quyết thì bản chất của hàng hóa là mang tính cạnh tranh, các DN sẽ cạnh tranh với nhau để đưa giá trị về đúng thực tế của nó trên thị trường chứ không có chuyện đưa ra “giá khống” cao hơn so với mức giá hàng mà các DN nhập vào.
“Dù vậy, theo tôi thấy thì cũng chỉ nên để DN tự quyết một thời gian ngắn trước để đánh giá xem mức độ thế nào chứ nếu ‘thả cửa’ luôn thì sẽ khó kiểm soát, nhất là trong điều kiện người dân sử dụng xăng như một hàng hóa thiết yếu hằng ngày, thậm chí xăng còn chiếm tỉ trọng rất lớn trong khâu tính tỷ lệ, chỉ số lạm phát (CPI). Trước mắt chưa đánh giá được nhưng chúng ta cũng nên cảnh báo để trong trường hợp trong quý 1, quý 2.2018 mà giá tăng quá mức thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp”, ông Tín nói.
 Người dân vẫn ưu tiên sử dụng xăng Ron 95 vì chưa tin tưởng chất lượng xăng E5?
Người dân vẫn "nghi ngờ" chất lượng xăng E5
Theo ghi nhận của Dân Việt, tại Cửa hàng Xăng dầu số 111 (góc giao lộ An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ, Q.5 - TP.HCM), trong khoảng từ 12h đến 13h chiều nay, khoảng 2/3 người dân vẫn lựa chọn xăng A95 chứ không lựa chọn xăng E5 dù mức giá niêm yết có rẻ hơn đến 2.000 đồng/lít. Anh Nguyễn Minh Thi (Q.10), cho biết, đã sử dụng xăng E5 khoảng 1 tuần và có “cảm giác” máy xe chạy “ỳ” hơn.
“Thôi thì chuyển sang xăng A95 sử dụng, dù có mắc hơn 2.000 đồng/lít nhưng có cảm giác an toàn cho động cơ, chứ nếu sử dụng xăng E5 mà máy xảy ra vấn đề gì thì... “tiền cá quá tiền cơm”, anh Thi nói.
Liên quan đến chất lượng xăng E5, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên chủ nhiệm Bộ môn ô tô - máy kéo, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, khi xăng E5 dùng Ethanol chuẩn pha vào, động cơ sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì. Ngoài ra, khả năng năng kích nổ của động cơ khi dùng xăng E5 còn tốt hơn xăng thường, CO thải ra ít hơn so với xăng khoáng RON 92.
Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Tín cho rằng: "Bản chất xăng E5 là tốt cho môi trường, tốt cho động cơ chứ không phải như nhiều người e ngại. Vì vậy, việc khuyến khích sử dụng xăng E5, là một chính sách khá phù hợp vì nó vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa khai thác được những dự án, những nhà máy mà trước đây mà chúng ta đã đầu tư.
Chẳng hạn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khi chúng ta có đề án phát triển xăng E5 thì nhà máy này đã phục hồi lại, và một số dự án khác của Nhà nước trong khai thác, chế biến xăng E5 cũng sẽ hoạt động trở lại và hiệu quả hơn so với trước đây...", ông Tín ví dụ.
Theo Quốc Hải/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)