|
Cung đèo lịch sử Lũng Lô có đài tưởng niệm mới khánh thành.Ảnh: Tùng Duy.
|
Kỳ tích từ cung đèo lịch sử
Lũng Lô - cung đèo lịch sử được bí mật khởi công từ tháng 4/1953 bằng bàn tay của công binh và dân công địa phương, trong đó có sự đóng góp của người dân xã Thượng Bằng La (Văn Chấn, Yên Bái) với hơn 124.000 lượt người.
Hơn 200 ngày đêm mở núi quân dân ta đã tạc nên một cung tuyến Lũng Lô huyết mạch thông suốt. Từ đây qua núi cao vực sâu, hàng vạn ô tô, xe thồ chở vũ khí và quân lương tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Đã 70 năm đi qua, con đường 37 bây giờ, nối từ quốc lộ 32, đã được mở rộng nhưng vẫn như dựng đứng toàn dốc kéo lên đỉnh Lũng Lô. Nơi "chị gánh anh thồ, anh hò chị hát", thật khó tưởng tượng khi phải chịu đựng tới 12.000 tấn bom đạn của giặc Pháp, có ngày chịu tải 200 quả bom dội xuống với hàng chục lượt máy bay oanh tạc. Địch phá, ta sửa. Đoạn này vỡ, ta mở đoạn khác.
Bên này vách núi còn đây hang Thương Binh (cứu chữa bộ đội và dân công bị thương), bên kia là hang Vũ Khí (cất chứa vũ khí, đạn dược rồi chuyển tiếp lên chiến dịch), dấu tích khí phách của năm tháng hào hùng giờ còn nguyên vẹn.
Năm 2011, cung đường Lũng Lô được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Bia tưởng niệm năm xưa trên đỉnh đèo mới đây đã được tuổi trẻ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái dựng lại, cải tạo khang trang.
“Huyền thoại mới” từ kinh tế rừng
Bí thư Đoàn xã Thượng Bằng La Hoàng Văn Ánh dẫn phóng viên Báo Đại Đoàn Kết vào bản Dạ ở chân đèo, ghé nhà Trưởng thôn Vũ Văn Hạnh.
Bản nhỏ chân núi có 115 hộ với gần 500 nhân khẩu. Nhà sàn gỗ chắc kề nhau, đã có đường bê tông toàn diện ngõ xóm, rừng xanh bạt ngàn cây to bao quanh. Có tới nửa bản còn giữ được nhà sàn tuổi đến trăm năm. "Cả thôn chỉ còn 1 hộ nghèo", Trưởng thôn Vũ Văn Hạnh nói.
Các cụ nhà ông Hạnh từ quê Thái Bình xưa lên Văn Chấn làm công dân hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên Phủ. Bây giờ nhà ông có 4 ha măng điền trúc (thu 60 triệu đồng/năm), 1 ha bồ đề (thu 70 triệu đồng/năm), ngô thu 100 triệu đồng/năm, đàn bò 10 con trị giá 250 triệu đồng, tổng hằng năm thu gần 300 triệu đồng. Năm kia ông dựng nhà sàn mới trị giá gần 1 tỷ đồng. Các hộ trong thôn đều có đồi rừng và nuôi bò. Nhà ông Vũ Văn Đạt có đồi quế vừa bán, thu tới 1 tỷ đồng. Thôn có tới 40 hộ trồng quế, nhiều nhà sắm ô tô, xe tải.
Giao thông nối sang Phú Thọ, sang Sơn La, đi Yên Bái nhập cao tốc giờ đã rất thuận lợi, và cung đèo lịch sử Lũng Lô vẫn là con đường đi lại hằng ngày của dân Thượng Bằng La cũng như vận chuyển lâm sản. Thương lái tìm về các bản từng ngày, dường như dân bản Dạ và các thôn khác toàn xã không ai phải tìm mối tiêu thụ lâm sản.
Những chính sách của Nhà nước về vốn và hỗ trợ sát sao của huyện Văn Chấn về vật tư, kỹ thuật nông lâm đã khiến đổi thay nhanh chóng thôn Dạ, thôn Đá Đỏ, thôn Noong Tài...
Cây nguyên liệu, quế, măng tre là nguồn thu chủ lực, tạo nên một huyền thoại mới về kinh tế rừng cho Thượng Bằng La để cán đích xã Nông thôn mới sớm nhất trong huyện năm 2016. Bây giờ xã có nhiều dự án làm kinh tế như trồng cây ăn quả có múi (500 ha), dâu tằm, chè, cây dược liệu, và cả khu homestay ở bản Noong Tài cho khách phượt check-in và lưu trú do các bạn trẻ Đoàn xã đầu tư.
Ngay trên đỉnh đèo Lũng Lô, một doanh nghiệp từ nhiều năm qua phát hiện độ cao và thổ nhưỡng thích hợp trồng hàng chục ha cây dược liệu (hà thủ ô), mỗi tháng xuất hàng chục tấn. Từ 10 năm trước, hãng Nipon Juki (Nhật) đã về Thượng Bằng La đầu tư nuôi thỏ (chế biến dược phẩm). "Tới nửa số con em bản Dạ và Đá Đỏ làm công nhân cho Nhật đấy. Lương khá lắm", ông Hạnh cho biết.
Một xã núi hoang sơ nghèo đói thuở nào, có tới hơn 50% là dân tộc Tày, từng góp ngô khoai cho bộ đội, góp sức dân công mở đường đèo chiến dịch, nay làm nên một “huyền thoại mới” từ kinh tế rừng. "Xã chỉ còn 2,9% hộ nghèo. Chắc chắn lên chuẩn nông thôn mới nâng cao năm nay. Phải xứng với hy sinh của cha ông năm xưa chứ", Chủ tịch xã Hoàng Đình Mưu giọng chắc nịch nói.
Ngay bên kia chân đèo Lũng Lô anh hùng là xã Mường Cơi của huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Đã thấy hiện ra như một thị trấn có nhiều nhà tầng rất đẹp. Đó là thôn nông thôn mới kiểu mẫu Nghĩa Hưng - nơi không có hộ nghèo, và hộ giàu chiếm tới 60%.