Theo lực lượng công an, hoạt động mua bán lan đột biến tiền tỷ rầm rộ có thể là chiêu thức của các nhóm lừa đảo tinh vi, hoạt động liên tỉnh và có tổ chức. Các đối tượng đã dùng mạng xã hội để nâng giá, làm nóng thị trường lan. Sau khi mua bán trót lọt, đối tượng có thể ôm tiền bỏ trốn.
Hai cây lan với tên gọi là "Hồng Yên Thủy" và "Á Hậu" có giá trị gần 2,5 tỷ đồng, được anh Nguyễn Văn Sự (xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mua tại vườn lan tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình.
Tuy nhiên, qua xác nhận, hai cây trên chỉ là loại lan phi điệp thường, không phải là lan đột biến.
"So sánh với các cây thật khác thì nó không được tương tự về sắc, sọc lá, thân lá…", anh Sự cho hay.
Điều đáng nói là việc giao dịch mua bán cũng chỉ thông qua niềm tin và mạng xã hội, không có bất cứ giấy tờ, hợp đồng pháp lý ràng buộc. Nên khi phát hiện sai cây, anh Sự cũng không có thông tin về người bán để đòi lại quyền lợi.
|
Việc giao dịch mua bán lan đột biến thường thông qua niềm tin và mạng xã hội, không có bất cứ giấy tờ, hợp đồng pháp lý ràng buộc. (Ảnh: VOV) |
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, một nhóm đối tượng đã hô biến từ loại lan thường thành lan đột biến bằng cách gắn nhánh lan đột biến đã nở hoa vào giỏ lan thường.
"Dùng keo 502 gắn vào thật khéo đề người mua không phát hiện ra đây là vết gắn", đối tượng bán lan nói.
Bằng cách trên giỏ lan chỉ có giá khoảng 5 triệu đồng, ngay lập tức đã được nâng giá lên gần 300 triệu đồng.
Người dân tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình cho biết, việc giao dịch lan trên địa bàn đã trở nên sôi động. Mặc dù nhiều người không biết gì về lan, nhưng vẫn đầu tư vào lan. Người nhiều tiền thì đầu tư lướt sóng ăn chênh lệch, người ít tiền thì đầu tư làm các dàn sắt để cho thuê. Riêng thị trấn Hàng Trạm hiện có khoảng 200 dàn sắt.
Ông Bùi Thanh Phóng, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình nói: "Tôi không biết buôn lan, thì tôi dựng cho người ta thuê. Xung quanh Yên Thủy này có rất nhiều…".
|
Cơn sốt lan đột biến đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành. (Ảnh: VOV) |
Công an huyện Yên Thủy cho biết, các đối tượng buôn lan thường giao dịch ngầm, tự phát, tự thỏa thuận, không thông qua chính quyền địa phương.
"Hôm nay nó làm nhưng ngày mai nó lại bốc cả dàn đi, nó lại di chuyển", Thiếu tá Bùi Ngọc Ánh, Công an huyện Yên Thủy, Hòa Bình cho hay.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: "Tội danh, hình phạt được quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Với số tiền hàng lên tới nhiều chục tỷ đồng thì khung hình phạt là chung thân, cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội".
Qua tìm hiểu của phóng viên, số lượng người tham gia mua bán lan đột biến có thể lên đến 500 người. Tập trung nhiều nhất tại các tỉnh thành Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Đồng Nai… Người ít là tiền triệu, người nhiều lên đến cả chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là việc nhiều nhà vườn và nhà đầu tư lan đột biến đã phát hiện bị lừa, nhưng không khai báo vì cố tình không chấp nhận mình là nạn nhân, mà tiếp tục bán ra thị trường để lừa đảo người khác.